|
Đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), hỏi “chàng gốm” Nguyễn Tuấn Minh, không ai là không biết, bởi anh nổi tiếng là người thợ gốm xuất sắc, được phong tặng danh hiệu nghệ nhân khi mới 25 tuổi. Lối đi riêng của Minh là làm gốm hoàn toàn thủ công, nhờ đó mỗi tác phẩm đều có nét riêng biệt và nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn, người tiêu dùng. |
Gia đình Minh nhiều đời gắn bó với nghề gốm nên những năm tháng tuổi thơ của anh, hòn đất, lớp men, bảng vẽ… đã trở thành những người bạn không thể tách rời. Hàng ngày, nhìn ông, bố và những người thợ yêu nghề say sưa “thổi hồn” vào những hòn đất vô tri, vô giác, tỉ mỉ, khéo léo từng động tác để làm nên những tác phẩm gốm với nhiều hình thù đẹp mắt, lại có thể sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, Minh càng yêu gốm tha thiết, trân trọng nghề truyền thống của cha ông. Anh cũng dặn lòng mình lớn lên sẽ nối nghiệp gia đình, cố gắng giữ gìn và phát huy nét tinh hoa gốm sứ Bát Tràng. 16 tuổi, tốt nghiệp THPT, Minh không thi đại học như chúng bạn mà bắt tay vào thực hiện ước mơ bản thân ấp ủ bấy lâu. Tuy nhiên, sau hai năm làm gốm, Minh nhận ra những tác phẩm của mình chưa có sự đột phá, dẫn đến thiếu dấu ấn riêng. Điều đó cũng khiến cho gốm của gia đình khó thu hút được khách hàng. Với mong muốn theo đuổi nghề một cách chuyên nghiệp, Minh quyết định đi học tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp để nâng cao kiến thức. Vừa học tại trường, vừa mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những bậc tiền bối, cộng với thường xuyên trau dồi, thực hành, tay nghề của Minh nhanh chóng được nâng lên. Không chỉ có nhiều ý tưởng đặc biệt, Minh còn có hướng đi riêng, chính là làm gốm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi tính nghệ thuật cao. Những tác phẩm của Minh gồm chóe, tượng, đồ thờ hoài cổ… vì thế cũng tạo sự khác biệt với sản phẩm gốm của những hộ sản xuất theo hướng công nghiệp trong làng. “Tôi thường có rất nhiều ý tưởng nhưng đề tài mà tôi muốn tìm hiểu và đi sâu đó là gốm cổ. Các sản phẩm tâm linh với hoa văn được cách điệu của gốm cổ Việt Nam cùng với hình dáng hiện đại và tân thời là dòng gốm mà tôi muốn lấy làm tiền đề, phát triển trong tương lai”, Minh chia sẻ. |
Tuy nhiên, để có thành công như ngày hôm nay, chàng nghệ nhân trẻ đã phải vượt qua rất nhiều chông gai, thử thách. Nghề gốm không chỉ đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo, sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ mà còn phải có tình yêu mãnh liệt với nghề, bởi chỉ khi có tình yêu lớn ấy, họ mới sẵn sàng đối diện với khó khăn, vượt qua và chiến thắng chính bản thân mình. Với Minh cũng vậy. Không biết bao nhiêu lần anh thất bại vì không làm được sản phẩm như mình mong muốn, nhưng “bỏ cuộc” chưa từng có trong “từ điển” của anh. Mỗi lần thất bại là mỗi lần Minh rút ra cho mình bài học, kinh nghiệm để bản thân làm tốt hơn ở những lần sau. “Thời điểm mới bước chân vào nghề, tôi có làm 1 đôi bát khá lớn với đường kính 1m. Lúc đó vì tay nghề còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi đã làm hỏng sản phẩm mà bản thân đổ rất nhiều công sức trong khoảng thời gian dài ấp ủ. Cách đây vài năm, tôi cũng làm một đôi chóe men rạn cao hơn 1m. Đặt bao tâm huyết vào sản phẩm, sau gần 1 tháng, tôi mới hoàn thành nhưng lại mắc sai lầm khi đốt lò sai cách khiến sản phẩm bị hỏng và phải hủy bỏ Đây là những bài học lớn để tôi rút kinh nghiệm sau này. Những khó khăn, sản phẩm hỏng hoặc không thể hoàn thiện khiến tôi trăn trở trong khoảng thời gian dài. Bản thân cảm thấy buồn nhiều, suy nghĩ nhiều, nhưng chưa bao giờ nản lòng hay muốn chuyển hướng. Đơn giản vì tôi yêu gốm và muốn dành trọn công sức của mình đóng góp cho làng nghề của quê hương. Chính vì thế, tôi phải đứng dậy bước tiếp, hoàn thiện mình mỗi ngày để có thể vững bước đến ngày hôm nay”, Minh tâm sự. |
Theo Minh, đặc trưng của gốm là hình dáng mềm mại, chất liệu thân thiện với môi trường và tính mộc mạc nên bản thân gốm đã mang trong mình thế mạnh riêng. Người làm gốm biết phát huy những thế mạnh đó, sáng tạo nhiều mẫu mã đa dạng và kết hợp gốm với những chất liệu bắt mắt hơn sẽ giúp cho tác phẩm thu hút được nhiều khách hàng.
Để làm ra những “đứa con tinh thần” tinh xảo, đẹp mắt, mỗi người thợ làm gốm đều phải có kỹ năng làm nghề tốt. Nghệ nhân gốm cũng giống như những người nghệ sĩ, cần làm mới mình, có con mắt thẩm mỹ, biết cảm nhận cái đẹp thì mới có thể tạo ra được một tác phẩm đẹp. Họ càng chỉn chu, khéo léo, nâng niu đứa con mình sinh ra bao nhiêu, nó càng có hồn, thấm đẫm hơi thở cuộc sống bấy nhiêu.
Theo đuổi nghề gốm nhưng Minh có hướng đi riêng là làm thủ công hoàn toàn. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng toàn bộ sản phẩm đều được Minh cùng những người thợ thực hiện bằng tay. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân đi trước, các thầy ở trường, Minh còn tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, giao lưu cùng các chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản,… về lĩnh vực gốm sứ.
Việc kết hợp ý tưởng mới mẻ, có sự giao thoa giữa nghệ thuật điêu khắc truyền thống và điêu khắc hiện đại, Minh đã “thai nghén” ra những tác phẩm độc đáo, mang cá tính riêng, tạo nên “thương hiệu” đặc biệt cho chính mình.
Minh chia sẻ một sản phẩm gốm được đánh giá là đẹp và chất lượng thì phải đảm bảo 2 tiêu chí quan trọng nhất, đó là hình dáng cô đọng và chất liệu phù hợp. Cụ thể, sản phẩm chuẩn kích thước, tinh tế trong từng đường nét khi chuốt, sắc sảo trong từng chi tiết hoa văn. Ngoài ra, kỹ thuật nung gốm phải đạt chuẩn, gốm sau nung phải mịn, đẹp. “Một tác phẩm đẹp nhất đối với tôi là khi hình dáng và màu sắc của tác phẩm hòa hợp, gợi được nét đặc trưng của tác giả và câu chuyện tác giả muốn thể hiện qua tác phẩm ấy”, Minh nhấn mạnh. Minh cho biết thêm thời gian để làm ra một tác phẩm gốm phụ thuộc vào kích thước và độ tinh xảo của nó. Có những sản phẩm chỉ mất vài ngày là hoàn thiện nhưng có nhiều tác phẩm cần thời gian lên đến vài tháng. Tuy nhiên, quy trình làm ra mỗi sản phẩm đều gồm 3 bước là lên ý tưởng, làm sản phẩm mộc, nung đốt. “Đối với cá nhân tôi thì khâu lên ý tưởng là lâu nhất và tốn nhiều chất xám nhất, vì một tác phẩm có đẹp và mang nhiều ý nghĩa hay không phải được xác định qua bản vẽ ngay từ phút ban đầu. Có như thế thì khi hoàn thiện sản phẩm mới đẹp và ưng ý nhất. Nhưng, cho dù là sản phẩm đơn giản hay phức tạp thì mỗi người thợ gốm đều phải thực sự chỉn chu, tỉ mỉ, gửi cả tâm tình vào trong “đứa con” của mình. Làm gốm thủ công hoàn toàn càng đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo để thực hiện các động tác đòi hỏi độ chính xác cao”, Minh tâm sự. Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đôi bàn tay khéo léo, sự quyết tâm, khát khao giữ lửa nghề, Minh đã sáng tạo ta nhiều tác phẩm gốm nổi tiếng, được giới mộ điệu đánh giá cao như “Đôi bình vuốt tay men rạn cổ”, “Đôi chóe men rạn mặt hổ phù đắp rồng” đang được lưu giữ và trưng bày tại Chùa Kim Trúc Tự ở làng Bát Tràng (xã Bát Tràng); “Đôi chân đèn màu lam sẫm”, “Đôi lộc bình đắp tứ linh”, “Đôi chóe men rạn đắp rồng màu chàm cổ” hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Chùa Tiêu Dao ở làng Giang Cao (xã Bát Tràng);… Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, “chàng gốm” của làng Bát Tràng không quản ngại khó khăn, vất vả thực hiện hai tác phẩm mà tính đến hiện tại, anh cảm thấy tâm đắc nhất. “Trong số những tác phẩm của mình thì tôi tâm đắc nhất là chiếc chuông gốm hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt và tác phẩm thiên trụ “Khát vọng” mà tôi đã sáng tác trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng. Chiếc chuông được tôi lấy cảm hứng từ đình làng Bát Tràng - 1 công trình cổ kính và mang nhiều ý nghĩa đối với dân làng, còn thiên trụ mang ý nghĩa tôn vinh dân tộc, vượt lên trong khó khăn từ đại dịch với hình ảnh cá chép vượt vũ môn”, Minh chia sẻ. |
Để gốm không chỉ được ưa chuộng trong nước, Minh còn có khát khao đưa những tác phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng, Minh còn tích cực quảng bá sản phẩm trên nhiều phương diện. Với lợi thế của người trẻ nắm bắt ứng dụng công nghệ thông tin nhanh, anh đẩy mạnh việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội cá nhân, mang lại hiệu quả cao trong việc lan tỏa sản phẩm gốm. “Hiện tại tôi quảng bá tác phẩm chủ yếu thông qua mạng xã hội như facebook, instagram... Tôi cũng có đem một số tác phẩm tiêu biểu tham dự các cuộc thi về mỹ thuật ứng dụng và đồ nội thất tại Hà Nội. Song song với đó là đóng góp một số tác phẩm cho các công trình văn hóa, từ đó bạn bè trong nước và quốc tế có thể biết đến tác phẩm của tôi nhiều hơn”, Minh cho biết. Đến nay, Minh đã xây dựng được xưởng sản xuất gốm cho riêng mình, tạo việc làm cho nhiều người dân trong vùng, dạy nghề cho các bạn trẻ trong làng. “Tôi rất muốn khi đã đủ trình độ có thể đào tạo cho những người có đam mê và tình yêu với gốm giống như mình để ngọn lửa yêu nghề sẽ còn cháy mãi và sẽ có những thế hệ tiếp nối phát triển làng nghề mạnh mẽ hơn”, Minh bày tỏ. Sản xuất theo phương pháp thủ công nên số lượng không nhiều. Mỗi tháng, xưởng gốm của Minh cung cấp ra thị trường khoảng 300 sản phẩm, đều nhận được phản hồi rất tích cực từ khách hàng. Trong thời gian sắp tới, anh mong muốn tiếp tục sáng tác và trau dồi thêm kinh nghiệm làm gốm trong nước cũng như có cơ hội ra nước ngoài học hỏi các kỹ thuật làm gốm khác để áp dụng trong tương lai. Với những đóng góp to lớn cho ngành gốm, năm 2015, Nguyễn Tuấn Minh được UBND thành phố Huế chứng nhận đã tham gia tích cực và góp phần quan trọng cho thành công của Festival nghề truyền thống Huế. Năm 2018 và 2019, Minh được Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác của Hiệp hội. Năm 2020, anh được Sở Công Thương Hà Nội chứng nhận nghệ nhân tham gia chuỗi “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành gốm sứ thành phố Hà Nội”. Đặc biệt, năm 2021, anh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ngành nghề gốm sứ khi mới 25 tuổi. Mới đây, Nguyễn Tuấn Minh được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021. |
Những danh hiệu mà Minh đạt được chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực vươn lên, quyết tâm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa gốm sứ Bát Tràng mà cha ông bao đời để lại. Cho dù chặng đường ấy nhiều gian nan, thử thách, người con của gốm sứ Bát Tràng vẫn mạnh mẽ, tiến về phía trước. Những danh hiệu ấy cũng trở thành động lực để Minh tiếp tục cuộc hành trình thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, làm rạng danh cho làng nghề quê hương. “Điều tôi mong muốn nhất là có thể đóng góp cho làng nghề và giúp cho làng nghề ngày càng lớn mạnh, được nhiều người biết đến hơn trong tương lai. Đây cũng là điều mà rất nhiều thế hệ đi trước trong làng trăn trở”, Minh chia sẻ. |
Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của Nhân dân. Một trái tim luôn thổn thức, đau đáu về quê hương, xứ sở, một tâm hồn trong sáng, thủy chung với đất nước, sẽ khơi nguồn cảm hứng mãnh liệt để mỗi chúng ta thêm bản lĩnh, trách nhiệm, muốn đóng góp công sức của bản thân vào cuộc hành trình giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Trong đó có con đường dệt ước mơ đưa văn hóa truyền thống Việt ra thế giới mà nhiều người đã, đang và sẽ tiếp tục bước đi. Dẫu biết rằng, con đường này sẽ có rất nhiều “sỏi đá”, chông gai, phải đổ nhiều trí tuệ, thời gian, công sức, tiền của, thậm chí là máu, nhưng ý chí sẽ mở ra con đường. Với tình yêu, bàn tay, khối óc, cùng sự quyết tâm của những người đang thực hiện ước mơ mang văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế, một ngày không xa, những giá trị đẹp đẽ mang tên Việt Nam sẽ bay cao, bay xa cùng thế giới. |
Hồng Giang - Khánh Huy Đồ họa và trình bày: Khánh Huy Ảnh: NVCC |