Ngành Tòa án đảm bảo mục tiêu kép trong xét xử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTAND TP HCM tổ chức một số phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến |
Xét xử 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19
Theo báo cáo của ngành Tòa án, từ ngày 1-10-2020 đến ngày 30-9-2021, các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%). Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 88.607 vụ với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo (đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo).
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 411.299 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 324.813 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%). Các Tòa án đã thụ lý 10.728 vụ án hành chính; đã giải quyết, xét xử được 5.693 vụ (đạt tỷ lệ 53,1%).
Các Tòa án đã áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với 25.894/26.024 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,5%. Đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Ngành Tòa án cũng chỉ ra một số hạn chế như: một số chỉ tiêu Quốc hội giao thực hiện thấp hơn các năm trước; tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tổ chức bộ máy của các Tòa án chưa thực sự tinh gọn, cơ cấu đội ngũ công chức Tòa án Nhân dân các cấp còn thiếu…
Các hạn chế, thiếu sót trên là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường gây khó khăn cho Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ; mỗi năm trung bình các Tòa án thụ lý hơn 600.000 vụ việc trong khi đó số lượng biên chế cán bộ, Thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến áp lực, khó khăn rất lớn với Tòa án.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, TAND TC đề ra 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là các nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các Tòa án; xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức, cán bộ; tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của Nhân dân đối với Tòa án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án
Từ ngày 1-1-2022, TAND được tổ chức xét xử trực tuyến
Đáng chú ý nhất, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Theo đó, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Trong đó, các trường hợp saukhông được áp dụng hình thức xét xử trực tuyến: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.
Về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, tại khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết này, phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Đối với bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định, được bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Để tổ chức thực hiện Chánh án TAND TC theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này. Chính phủ, TAND TC, VKSND TC có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết này. TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết này trong báo cáo công tác hàng năm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 và cũng nằm trong lộ trình xây dựng Tòa án điện tử, việc phải sớm tổ chức xét xử trực tuyến với nhiều loại án khác nhau cũng là cam kết của TAND TC với các tổ chức tòa án quốc tế. Phiên tòa xét xử trực tuyến không hề ảnh hưởng gì đến chất lượng xét xử cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.
Chánh án TAND TP Bắc Ninh Đỗ Văn Đại khẳng định, xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu điểm với thời điểm hiện nay cũng như xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0.
Thứ nhất: Tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh Covid 19 trong phòng xử án.
Thứ hai: Giải quyết vụ án đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật đồng thời bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Thứ ba: Tiết kiệm thời gian và ngân sách cho Nhà nước và chi phí đi lại cho người dân.
Thứ tư: Đông đảo người dân quan tâm đến vụ án có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn.
Xét xử trực tuyến là phương thức xét xử gồm một chuỗi quy trình và thiết bị thực hiện công tác xét xử trong đó những người tham gia phiên tòa có thể giao tiếp với nhau qua mạng (không cần phải có mặt tại phòng xử án). Xét xử trực tuyến sử dụng kết nối mạng để thực hiện công tác xét xử. Mọi hoạt động như xem xét chứng cứ, tài liệu, xét hỏi, tranh luận... đều được thực hiện trực tuyến qua thiết bị kết nối mạng (thường là máy tính) với một máy chủ có lưu giữ sẵn toàn bộ tài liệu và phần mềm cần thiết để thực hiện công tác xét xử. Người tham gia xét xử trực tuyến có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN). Nội dung xét xử trực tuyến có thể được chia sẻ qua các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng Internet, Intranet, các website... hoặc có thể thu được từ đĩa CD, băng video, audio... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại