Thứ hai 20/05/2024 10:24

Ngành giáo dục và cuộc chuyển đổi công nghệ số: Biến “nguy” thành “cơ”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước những thách thức do dịch bệnh Covid-19, tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, giống như nhiều ngành khác, Giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, ngành giáo dục đang có những giải pháp để biến “nguy” thành “cơ”.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành giáo dục không chỉ lùi thời gian mà còn đang tập trung rà soát để tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 của các cấp học, nhất là lớp 9 và lớp 12 với phương châm tinh giản nội dung nhưng không “buông lỏng” chất lượng. Từ đó tổ chức xây dựng các bài giảng điện tử hoặc các bài giảng để ứng dụng trên các hạ tầng công nghệ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Các bài giảng này phải được thẩm định thống nhất. Bên cạnh đó, trên cơ sở nội dung đã tinh giản, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành bài thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020”.

nganh giao duc va cuoc chuyen doi cong nghe so bien nguy thanh co
Ảnh tư liệu

Chia sẻ về những nỗ lực của ngành giáo dục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là việc thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời cho rằng, nếu chỉ riêng ngành giáo dục thì dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khó thực hiện bởi hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng… Do vậy, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và truyền thông là vô cùng quan trọng, thiết thực, đặc biệt ở thời điểm hiện tại.

Để chuẩn bị dài hơi hơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ đưa môn CNTT vào chương trình học bắt buộc từ THPT, cùng với môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để từ đó tạo nên một thế hệ “công dân toàn cầu” có kiến thức kỹ năng về CNTT, chuyển đổi số và trình độ tiếng Anh để hội nhập tốt với thế giới.

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục rất quan tâm và tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào các hoạt động của ngành. Chuyển đổi số trong ngành giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước, cả trước mắt và lâu dài.

Theo Bộ trưởng, nếu được đào tạo về kỹ năng chuyển đổi số và thực hành tốt về công nghệ sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ GD&ĐT rất ý thức về cơ hội này.

Để thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi số ngành giáo dục, Bộ trưởng đề cập đến 4 nhóm việc cần tập trung chỉ đạo. Trước hết là phải thống nhất nhận thức của đội ngũ giáo viên, học sinh và những người có liên quan để cùng quyết tâm thực hiện.

Thứ 2 là có được nền tảng CNTT đồng bộ, từ máy chủ, đường truyền, băng thông, cũng như các ứng dụng để vận hành hệ thống, bài giảng, công nghệ quản lý, kế hoạch, chương trình, nội dung…

Thứ 3 là cơ chế chính sách. Bên cạnh cơ chế chính sách chung của quốc gia, ngành giáo dục đã có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến nội dung này. Đầu tiên là chính sách đối với giáo viên. Trong chuẩn giáo viên vừa được ban hành, có một tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó là các quy định, thông tư đã được ban hành với bậc ĐH về dạy và học từ xa.

Nhóm giải pháp thứ 4 là những người trong ngành phải am hiểu về kỹ năng sử dụng công nghệ mới trong dạy và học, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra những hướng dẫn cho giáo viên một cách bài bản để việc áp dụng công nghệ đạt hiệu quả.

“4 nhóm yếu tố này mà tốt thì chủ trương số hóa và ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục sẽ tốt. Từ đó tạo nên thành công trong việc chuyển đổi số ngành giáo dục. Đây là tiền đề quan trọng để chuyển đổi số thành công trong nhiều lĩnh vực khác” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

T.Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động