"Ngành công nghiệp hoa hậu": Lôi cuốn phụ nữ tham gia để mơ đổi đời có phải là việc nên làm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTS. Khuất Thu Hồng đặt vấn đề: Tạo ra ngành công nghiệp để lôi cuốn hàng triệu phụ nữ chỉ mơ đổi đời nhờ vương miện thì có phải là việc nên làm? (ảnh Vương Anh) |
Mới đây, trong buổi họp báo, bà Phạm Kim Dung, Giám đốc công ty Sen Vàng - đơn vị nắm bản quyền nhiều cuộc thi sắc đẹp uy tín trong nước đã chia sẻ về tham vọng tạo ra một "ngành công nghiệp hoa hậu" ở Việt Nam. Bà cho biết, bà cùng công ty đang lên kế hoạch để mở những công ty đào tạo hoa hậu trong thời gian tới.
Nói về tương lai phát triển "ngành công nghiệp hoa hậu", những chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, tổ chức các cuộc thi hoa hậu đã đưa ra các tình huống, kịch bản: Nếu đặt các cuộc thi hoa hậu như một ngành kinh tế thì khán giả sẽ là người đào thải. Những cuộc thi càng lớn, uy tín thì lượng khán giả theo dõi càng đông. Ngược lại, các sân chơi sắc đẹp kém chất lượng sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường.
Trước những ý kiến khác nhau về việc nở rộ các cuộc thi hoa hậu cũng như ý tưởng, kịch bản về tương lai của "ngành công nghiệp hoa hậu", TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội-ISDS, người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới bày tỏ: Điều mà không thấy đề cập trong kịch bản là "công nghiệp hoa hậu" đóng góp gì cho đất nước nói chung và cho phụ nữ nói riêng. Mấy nước có ngành công nghiệp hoa hậu hàng đầu như Venezuela thì đang đứng trên bờ vực phá sản, nợ công đầm đìa, Philipines thì lẹt đẹt bao nhiêu năm qua kể từ khi Mỹ rút đi, còn Ấn Độ thì cứ 15 phút có một phụ nữ bị hãm hiếp.
"Phụ nữ nên biết làm đẹp, nếu có nhiều phụ nữ đẹp thì chắc cũng vui mắt. Nhưng tạo ra một ngành công nghiệp để lôi cuốn hàng triệu phụ nữ chỉ mơ đổi đời nhờ vương miện thì có phải là việc nên làm?. Thích thi hoa hậu thì cứ thi nhưng chỉ nên là những cuộc vui, đừng biến nó thành cỗ máy kiếm tiền cho một vài cá nhân nhưng lại gán cho nó cái mác là đại diện cho phụ nữ Việt Nam hay là niềm tự hào quốc gia gì gì đó…", TS. Thu Hồng nhấn mạnh.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 20 cuộc thi hoa hậu. Từ nay đến cuối năm, còn thêm hàng loạt sân chơi như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)... Bên cạnh các cuộc thi quy mô lớn, một loạt sự kiện do các đơn vị hội ngành, các công ty giải trí thực hiện như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu…
Có thực tế là hiện nay là nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nhiều người khi đoạt giải đã thực sự thay đổi cuộc đời với những phần thưởng lên tới nhiều tỷ đồng, cùng đó là những hợp đồng quảng cáo, truyền thông, đại diện nhãn hàng... Chính vì lẽ đó, những cuộc thi hoa hậu hiện nay vẫn là sân chơi sắc đẹp ngày càng có sức hấp dẫn với phái nữ.
Bộ trưởng VHTT&DL: Không nên lợi dụng việc thi hoa hậu để kinh doanh | |
Cuộc thi Hoa hậu Biển Đảo Việt Nam 2022 chính thức khởi động | |
“Loạn” danh xưng cuộc thi Hoa hậu |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại