Bộ trưởng VHTT&DL: Không nên lợi dụng việc thi hoa hậu để kinh doanh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho hay, theo Báo cáo số 126 mà Bộ VHTT&DL gửi tới Quốc hội thì trong năm 2018 Bộ chỉ cấp phép cho tổ chức 6 cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều cuộc thi hoa khôi ở các cấp hay nhiều các cuộc thi nhan sắc trá hình dưới dạng các tên gọi khác gây ra một số tiêu cực trong xã hội và để lại dư luận không tốt.
“Tôi xin hỏi Bộ trưởng mục đích của các cuộc thi này là gì? Việc tổ chức đã đạt được mục đích đó hay chưa? Bộ trưởng có thấy các cuộc thi sắc đẹp đang diễn ra như vậy là tràn lan hay không? Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của mình và bao giờ thì Bộ có thể giải quyết được triệt để, khắc phục hoàn toàn tình trạng này”, đại biểu chất vấn.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo chất vấn về các cuộc thi sắc đẹp (ảnh: Quốc hội) |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều tổ chức cuộc thi sắc đẹp để tôn vinh người phụ nữ. Qua đó cũng quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thực hiện công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước địa phương.
Theo quy định, một năm chúng ta tổ chức từ 1 đến 2 cuộc thi hoa hậu toàn quốc. Còn lại có khoảng 4, 5 hoa hậu vùng miền và các cuộc thi của các ngành lĩnh vực, địa phương. Về cuộc thi hoa hậu, chúng tôi chấp hành nghiêm Nghị định 79, tức là việc tổ chức số lượng các cuộc thi hoa hậu là không vượt quá. Tuy nhiên, các cuộc thi đó họ tổ chức thi rất nhiều vòng, cho nên thấy nó nhiều.
Trên thế giới thì chúng ta cũng tham dự các cuộc thi hoa hậu của quốc tế như hoa hậu hoàn vũ hoặc hoa hậu thế giới, cử những người đẹp của chúng ta đi để thi tham dự và qua đó có thể nói rằng cũng đã quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.
“Chúng tôi nghĩ rằng, các cuộc thi hoa hậu rất phù hợp và cũng cần thiết, tuy nhiên không nên quá nhiều và cũng không nên lợi dụng việc thi hoa hậu để kinh doanh hoặc làm lợi cho cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức mình”, Bộ trưởng nói.
Đối với trong nước thì gần như các cuộc thi đều phải được xin phép. Nếu những cuộc thi không được cấp phép thì chúng tôi sẽ xử lý và đã yêu cầu thanh tra bộ, thanh tra của ngành văn hóa ở địa phương xử lý nghiêm túc.
“Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có một số cuộc thi đã xảy ra tình trạng cấp phép nhưng làm không đúng hoặc có thể vi phạm thì chúng tôi đã xử lý. Có thể nói chúng ta xử lý chưa triệt để bởi vì trong quy định của pháp luật, trong Nghị định 79 có nhiều vấn đề chưa xử lý kiên quyết được. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này, hiện nay đang sửa đổi Nghị định 79 và tháng 10 này sẽ trình Chính phủ một nghị định mới. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để đưa vấn đề này vào”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho rằng, hoạt động mê tín dị đoan đang diễn ra phức tạp, các hoạt động coi bói, xin xăm, rút quẻ, đồng bóng, gọi hồn diễn ra công khai tại nhiều cơ sở thờ tự, tại nhiều địa bàn dân cư.
Theo đại biểu, đang có sự khác nhau trong nhận thức, thậm chí có sự nhầm lẫn về khái niệm mê tín dị đoan, khái niệm tâm linh, tín ngưỡng. Chính điều đó đang là mảnh đất tốt để hoạt động mê tín dị đoan núp bóng tâm linh, tín ngưỡng, là nguyên nhân dẫn đến sự ngần ngại của chính quyền, của các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống mê tín dị đoan.
“Xin Bộ trưởng cho biết sự khác nhau giữa mê tín dị đoan và tâm linh, tín ngưỡng. Những giải pháp cần triển khai để phòng, chống mê tín dị đoan, để xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, vì sự phát triển của xã hội”, đại biểu hỏi.
Bộ trưởng VHTT&DL cho rằng, mê tín dị đoan là những hoạt động làm mê hoặc người khác trái với tự nhiên gây tác động xấu đến nhận thức. Tuy nhiên định nghĩa mê tín dị đoạn thì có thể nói rằng rất nhiều biểu hiện.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo trả lời các đại biểu (ảnh: Quốc hội) |
Có thể nói rằng giữa mê tín dị đoan và tâm linh thì rõ ràng là hoàn toàn khác nhau. Đương nhiên ranh giới giữa mê tín dị đoan và tâm linh có thể rất mong manh nhưng mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, chúng ta phải kiên quyết chống.
Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy hiểm của mê tín dị đoan, vạch trần thủ đoạn, xử lý nghiêm và xác định rõ vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi pháp luật. Đặc biệt, quan tâm đến nâng cao đời sống của người dân, văn hóa tinh thần của người dân.
Tranh luận lại, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho rằng, Bộ trưởng có nêu rõ mê tín dị đoan và tâm linh tín ngưỡng rất khác nhau.
“Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm này của Bộ trưởng. Bộ trưởng có nêu ranh giới giữa nó rất mong manh, chính cái mong manh nên nên công tác xử lý mê tín dị đoan chưa kịp thời. Tôi đề nghị Bộ trưởng nêu rõ đã rất khác nhau thì bản chất khác nhau ở chỗ nào?
Theo quan điểm của tôi tín ngưỡng tâm linh là niềm tin hướng về một lực lượng siêu nhiên, còn mê tín dị đoan là lợi dụng niềm tin đó để trục lợi. Đây chính là bản chất sự khác nhau giữa mê tín dị đoan và tâm linh tín ngưỡng.
Tôi đề nghị, để giúp các địa phương thuận lợi trong quá trình xử lý vi phạm, những hoạt động mê tín dị đoan thì Bộ cần có hướng dẫn cụ thể để trên cơ sở đó chúng ta thống nhất quá trình xử lý hiện tượng này”, đại biểu nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại