Ngành chăn nuôi Hà Nội: 3 kịch bản cho một mục tiêu tăng trưởng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để chuyển sang sản xuất mang tính hàng hóa, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi mang tính đột phá, trong đó phải kể đến việc phê duyệt chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư.
Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm.
Hà Nội cũng đã tích cực hình thành các trang trại chăn nuôi, chuỗi liên kết, từ sản xuất tới giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn TP có 5.351 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ. Số trang trại của doanh nghiệp liên doanh là 569 trang trại, con số này của tư nhân là 4.762…
Hà Nội chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại gắn với phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Sơn |
Một trong những nhân tố quyết định hiệu quả phát triển lĩnh chăn nuôi của Hà Nội là chất lượng con giống. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, về việc này, những năm qua, trên địa bàn TP đã cơ cấu lại giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa các giống gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đơn cử đàn bò, tỷ lệ giống bò lai Zebu chiến trên 90%, hằng năm, sản xuất được khoảng 90.000 con bê lai. Còn đàn lợn, giống được nuôi phổ biến là Yorkshire, Landrace, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên 80%, hằng năm, sản xuất được trên 4 triệu con lợn giống. Đàn gia cầm chủ yếu phát triển chăn nuôi các giống gà Lương Phượng, gà Mía lai ri, gà hoa và một số gà màu, Sasso, Ross 208, Brown, Ai Cập…, hằng năm, sản xuất được trên 150 triệu con gia cầm giống các loại.
Kiên định mục tiêu trên, lĩnh vực chăn nuôi của TP luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Hiện toàn TP có 25.000 con trâu, 129.700 con bò, 1,36 triệu con lợn, 39,9 triệu con gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng 381.000 tấn, trong đó: Sản lượng thịt trâu 1,73 nghìn tấn, thịt bò 10,6 nghìn tấn, thịt lợn 210 nghìn tấn, thịt gia cầm 155,7 nghìn tấn, sữa 34 nghìn tấn và 2.380 triệu quả trứng gia cầm.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, từ thực tiễn cho thấy, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, ngành chăn nuôi Hà Nội cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mặt khác, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn thành phố chưa được quản lý chặt chẽ, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch bệnh, công tác quản lý giống vật nuôi cũng chưa đồng bộ.
Năng suất, chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn thành phố dù đã được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và các nước có nền sản xuất nông nghiệp phát triển. Các cơ sở sản xuất giống chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn giống chất lượng cao hiện nay còn phụ thuộc nhập khẩu.
Phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chuỗi liên kết đã có nhưng vẫn còn đang ở quy mô nhỏ, đứt đoạn, chưa có hợp đồng bền vững giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chưa có doanh nghiệp đầu tàu đủ mạnh để có những bước phát triển đột phá…
Hóa giải những khó khăn thách thức trên để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao các đơn vị trực thuộc xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng chăn nuôi.
Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng nông nghiệp 4,2%, thành phố sẽ duy trì tổng đàn trâu khoảng 25,3 nghìn con, đàn bò khoảng 135 nghìn con, đàn lợn 1,8 triệu con trở lên, giữ ổn định đàn gia cần khoảng 40 triệu con.
Kịch bản 2, tăng trưởng nông nghiệp 3%, TP duy trì ổn định đàn trâu 25,3 nghìn con, bò khoảng 130 nghìn con, lợn 1,5 triệu con trở lên, gia cầm 39 triệu con.
Kịch bản 3, tăng trưởng nông nghiệp 4,5%, duy trì đàn trâu khoảng 25,3 nghìn con, bò 137 nghìn con, lợn khoảng 1,85 triệu con trở lên, gia cầm 40,5 triệu con. Đi kèm với các kịch bản này là các giải pháp và cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển chăn nuôi.
Ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh, song song xây dựng, lựa chọn kịch bản phù hợp thực tiễn, triển khai đồng bộ các giải pháp, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP chỉ đạo các huyện, thị xã quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có bố trí đất cho phát triển chăn nuôi, nhất là tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây…; có giải pháp hỗ trợ, tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi giữ lại giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để phục vụ sản xuất.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tham mưu TP có chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại