Thứ bảy 23/11/2024 00:40

Ngại đi phẫu thuật, người phụ nữ bị dị vật mắc kẹt ở tim

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà N.T.H, 54 tuổi, ở Hòa Bình có tiền sử ung thư vú từ năm 2015, đã phẫu thuật và đặt buồng truyền hóa chất để điều trị hoá chất bổ trợ. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, do sợ phải phẫu thuật can thiệp nhiều lần nên bà H không lấy buồng truyền ra khiến dây nối của buồng truyền bị đứt và trôi vào tim.
Ngại đi phẫu thuật, người phụ nữ bị dị vật mắc kẹt ở tim
Hình ảnh dị vật bị kẹt ở tim bệnh nhân (ảnh BVCC)

Mới đây, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.H (54 tuổi) ở Kim Bôi, Hòa Bình nhập viện do có dị vật mắc kẹt ở tim.

Qua khai thác được biết, người bệnh có tiền sử ung thư vú từ năm 2015, đã phẫu thuật và đặt buồng truyền hóa chất để điều trị hoá chất bổ trợ. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, do e ngại việc phải phẫu thuật can thiệp nhiều lần nên người bệnh đã không lấy buồng truyền ra. Đến khi cảm thấy cơ thể không bình thường, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được phát hiện dây nối của buồng truyền bị đứt, trôi theo mạch máu và bị kẹt lại ở trong tim. Người bệnh được tiến hành can thiệp lấy dị vật, cũng như buồng truyền dưới da.

ThS-BS. Thân Văn Sỹ, khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Các bác sĩ đã sử dụng dụng cụ can thiệp đưa vào buồng tim và lấy dị vật ra ngoài chỉ trong vài phút. Quá trình can thiệp nhanh chóng và nhẹ nhàng khiến người bệnh ngỡ ngàng. Nếu không ôm nỗi sợ phẫu thuật suốt 6 năm qua, không trốn tránh việc đi lấy buồng truyền ra thì đã không xảy ra biến chứng nguy hiểm... Sau can thiệp, tình trạng người bệnh hoàn toàn ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong một hai ngày.

TS-BS. Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: Dị vật trong tim và mạch máu rất hiếm gặp, tuy nhiên gần đây có phổ biến hơn do việc sử dụng ngày càng nhiều các dụng cụ, thiết bị trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khác nhau. Những dị vật này có thể to, nhỏ, hoặc có độ cứng, sắc cạnh khác nhau. Vì vậy, chúng có thể không gây ra triệu chứng gì, hoặc có thể gây ra huyết khối, tắc mạch, đâm thủng thành mạch, tổn thương tim, van tim, thậm chí dẫn đến rối loạn nhịp tim...

Ngày nay với các dụng cụ hiện đại, hầu hết các dị vật trong tim và mạch máu đều có thể lấy ra khỏi cơ thể chỉ qua một vết chọc rất nhỏ trên da. Tuy nhiên, việc lấy bỏ dị vật trong lòng tim, mạch máu phải được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm để tránh gây ra những tổn thương thêm cho tim và mạch máu. Vì vậy nếu gặp phải một trong những trường hợp trên, người bệnh cần được chuyển tới cơ sở y tế có chuyên môn sâu để được điều trị kịp thời và thích hợp, BS. Dũng nhấn mạnh.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động