Nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChung cư Văn Phú Victoria, nơi nam sinh nhảy lầu tự tử |
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh.
Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 cũng quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó cho phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 32 BLDS như sau: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Người nào thu thập trái phép thông tin, hình ảnh của người khác, sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật”, luật sư Thái nói.
Luật sư Thái viện dẫn, đối với hành vi chia sẻ video, lá thư tuyệt mệnh được xác định là: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi vi phạm được quy định tại khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đối với những người sử dụng mạng xã hội mà có hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn”; Được xác định là hành vi vi phạm điểm c, khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Luật sư cũng Thái cho biết, nếu ai đó lợi dụng clip này để mạt sát, chỉ trích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của phụ huynh hoặc có hành vi khác bôi nhọ danh dự nhân phẩm uy tín của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Trường hợp người nhà nạn nhân không đồng ý cơ quan tổ chức cá nhân sử dụng những thông tin hình ảnh này trên không gian mạng thì người đã sử dụng thông tin hình ảnh này phải gỡ bỏ hoặc phải che mờ, mã hóa. Trường hợp gia đình đã yêu cầu nhưng tổ chức cá nhân vẫn không thực hiện thì có thể bị phạt hành chính đến 60.000.000 đồng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thái phân tích.
Trường hợp clip này chính là của gia đình cung cấp cho cơ quan truyền thông như một lời cảnh báo trước các bậc phụ huynh về phương pháp giáo dục con cái, tránh những vụ việc đau xót có thể xảy ra hoặc từ cơ quan chức năng với mục đích là để tuyên truyền, về lợi ích công cộng, vì an toàn cho xã hội theo khoản 2, Điều 32 BLDS thì việc sử dụng các clip, hình ảnh thông tin này là hợp pháp. Tuy nhiên cũng cần có những nội dung thông tin, định hướng đúng để tránh việc xuyên tạc, chỉ trích, gây áp lực thêm, đau buồn thêm cho gia đình nạn nhân.
Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo CA quận Hà Đông cho biết, hành vi phát tán thư và clip của nam sinh thực hiện hành vi đau lòng trên mạng xã hội là không thể chấp nhận, vô cảm. Sau khi xác minh, làm rõ, đơn vị sẽ xử lý nghiêm cá nhân nào đã thực hiện việc phát tán. CA quận Hà Đông cũng đề nghị người dân không chia sẻ, phát tán nội dung nói trên để tránh gây hoang mang, xôn xao dư luận, ảnh hưởng xấu tới gia đình nạn nhân.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã có văn bản gửi tới các nền tảng mạng xã hội và các trang tin điện tử, yêu cầu không tiếp tục đăng tải, chia sẻ video về vụ việc. Cùng với đó, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cũng yêu cầu rà soát để gỡ video, thư tuyệt mệnh của nam sinh nêu trên. Hiện nay, 3 đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí và Cục An toàn thông tin đang phối hợp rà soát, xử lý một số cá nhân, tổ chức phát tán, lan truyền thông tin về hình ảnh cá nhân, bức thư của nam sinh. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại