Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng bị phạt tù đến 7 năm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị can trong đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng ở Đồng Tháp. Ảnh: CACC |
Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng
Ngày 10/1, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đồng Tháp vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 6 đối tượng về tội “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Theo đó, 6 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm: Nguyễn Trung Tân (SN 1989, trú xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp); Phạm Hoàng Phúc (SN 2000), Phạm Nhứt Lý (SN 1971), Chế Thanh Tú (SN 1988), La Trần Thế Ngọc (SN 1981), Nguyễn Thanh Khải (SN 1977), cùng trú trên địa bàn TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp về tội “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” theo quy định tại Điều 291, Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ án này, ngày 9/1, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận đối tượng Thái Nhựt Phương (SN 1977, thường trú tại phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) ra đầu thú. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2019 đến nay, các đối tượng trong vụ án đã liên kết, móc nối với nhau hình thành đường dây mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác nhằm thu lợi bất chính.
Thủ đoạn của các đối tượng là tìm kiếm các cá nhân (học sinh, sinh viên, công nhân…) cần tiền tiêu xài để gợi ý, dụ dỗ, lôi kéo, cung cấp số thuê bao (sim rác), phí mở tài khoản.
Sau đó, các đối tượng hướng dẫn đăng ký mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Cao Lãnh. Mỗi tài khoản đăng ký thành công, các đối tượng thu mua lại với giá từ 150.000 đồng đến 700.000 đồng, sau đó bán lại qua nhiều đối tượng trung gian để sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật khác...
Việc làm vi phạm pháp luật, tiềm ẩn rủi ro
Theo luật sư Nguyễn Thị Mai, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc mua bán tài khoản ngân hàng là một việc vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ cho người cho bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.
Theo đó, tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và hậu quả để lại, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 - 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên. Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, theo Điều 291, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản; Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
“Người phạm tội sẽ bị phạt tù cao nhất đến 7 năm, phạt tiền 500 triệu đồng với trường hợp các thu thập, tàng trữ, mua bán… với số lượng 200 tài khoản trở lên, thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên” - luật sư Mai nói.
Ngoài ra, gười phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cũng theo luật sư Mai, ngoài ra, các đối tượng thực hiện có thể sẽ bị truy cứu các tội tương ứng nếu sử dụng thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng đã thu mua hoặc thuê để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu dùng thông tin cá nhân của người khác để đưa thông tin sai sự thật để bôi nhọ, xúc phạm thì phạm tội “Vu khống”…
Nhóm người ngoại quốc chiếm đoạt tiền tỷ từ các tài khoản ngân hàng | |
Làm giả chứng minh Nhân dân mở tài khoản ngân hàng rồi bán | |
Mời người dân mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại, 2 đối tượng bị khởi tố |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại