Một loại hình tội phạm lừa đảo tinh vi mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Nguyễn Công Nam |
Đường dây lừa đảo 1.000 tỉ đồng
Mới đây, CA tỉnh Quảng Bình đã phá thành công chuyên án về đường dây thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng. Bước đầu xác định 15 đối tượng có liên quan và tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1.000 tỉ đồng.
Xác định Nguyễn Cao Hoàng, SN 1993, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng đã thuê Hoàng Trung Thương, SN 1995, trú tại phường Bắc Lý, TP Đồng Hới kêu gọi người khác mở các tài khoản ngân hàng từ năm 2019 đến nay. Mỗi số tài khoản Thương nhận được từ Hoàng 400.000 đồng.
Sau khi nhận được thông tin cá nhân của người đăng ký mở tài khoản thì Thương và Hoàng tự tạo ví Momo, ZaloPay để hưởng các gói quà ưu đãi (sử dụng để thanh toán tiền điện, nước, internet…) trị giá 700.000 đồng/tài khoản. Sau khi hưởng lợi, Hoàng bán tài khoản Momo cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá 50.000 đồng/tài khoản.
Đối với tài khoản mua từ Nguyễn Tiến Đức, SN 2000, trú tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Hà Đăng Tiến, SN 2002, trú tại xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, thì Hoàng tổng hợp thông tin gửi cho Nguyễn Công Nam, SN 1995, trú tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, tạo CMND giả để liên kết ngân hàng, định danh ví Momo.
Sau đó, các đối tượng bán tài khoản cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thu lợi với giá 250.000 - 350.000 đồng/tài khoản. Tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng được các đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép nhằm mục đích đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1.000 tỉ đồng.
Tang vật của vụ án |
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hoạt động lừa đảo phát triển mạnh trên không gian mạng những năm gần đây đã làm phát sinh một nhu cầu trung gian là tìm kiếm các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội của cá nhân để bán cho các nhóm đối tượng lừa đảo này. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh loại tội phạm mới này.
Các đối tượng vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, liên tục tổ chức các đường dây đánh bạc trái phép qua mạng internet với số tiền thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng. Để thực hiện các hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng internet thì các đối tượng cũng cần nhiều Tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, các phương tiện trung gian thanh toán. Đây là cơ hội, thời cơ cho các đối tượng mua bán tài khoản, mua bán thông tin cá nhân để tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng tổ chức đánh bạc trái phép.
Bởi vậy, trong quá trình điều tra, trường hợp CQĐT có căn cứ cho thấy các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của các nạn nhân hoặc thu thập trái phép thông tin cá nhân để bán cho các đối tượng lừa đảo thì các đối tượng này cũng sẽ được xác định là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS với vai trò giúp sức.
Ngoài ra, trường hợp các đối tượng thu thập trái phép thông tin tài khoản, thông tin cá nhân của người khác để bán cho các đối tượng tổ chức đánh bạc trái phép thì hành vi này cũng được xác định là đồng phạm giúp sức, sẽ cùng bị xử lý về tội “Tổ chức đánh bạc trái phép” với vai trò đồng phạm theo Điều 322 BLHS.
Luật sư Nguyên phân tích rõ, khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”. Do đó, “tài khoản ngân hàng” là một dạng tài sản của ngân hàng cung cấp cho khách hàng để thực hiện các giao dịch tiền tệ như: chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán,…
Hành vi mua bán những thông tin về tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể với hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 291 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Với hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng tài khoản từ 200 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng trong vụ án này sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 291 BLHS năm 2015.
Qua sự việc này, luật sư Nguyên cho rằng, việc làm lộ lọt, bán thông tin cá nhân của mình không những có thể biến mình trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo mà còn có thể trở thành tội phạm khi tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng lừa đảo.
Ngoài ra, luật sư Nguyên cũng kiến nghị cần phải thực hiện đồng thời phải đầy đủ các giải pháp từ cơ chế chính sách, pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao trách nhiệm ý thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan thì mới quản lý tốt được vấn đề này, thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa, hạn chế các hoạt động tội phạm công nghệ cao có thể xảy ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại