Mối họa khi vừa đi đường vừa sử dụng điện thoại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc người tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển xe dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày. Đối với nhiều người, chiếc điện thoại giờ đây vô cùng tiện dụng, trở thành vật bất ly thân, nhưng sử dụng đúng mục đích và đúng cách thì không phải ai cũng làm được.
Họ sử dụng điện thoại để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin thậm chí là lên mạng, facebook… nhiều trường hợp còn đèo hàng cồng kềnh, lượn lách trong lúc vẫn đang sử dụng điện thoại.
Dùng một tay điều khiển xe máy, tay còn lại cầm điện thoại là hình ảnh không khó bắt gặp khi tham gia giao thông |
Sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách tiết kiệm thời gian. Nhưng việc dành một tay cho việc cầm điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng kịp khi gặp những tình huống bất ngờ. Tai nạn dễ dàng xảy ra khi mà người lái xe 'dán mắt' vào màn hình điện thoại mà không chú ý đến đường đi.
Trên đường Võ Chí Công, Hà Nội, một người đàn ông trung niên điều khiển xe máy một tay đưa điện thoại áp vào tai, một tay điều khiển xe lao vút về phía trước. Vài phút sau, cũng tại đoạn đường này, một nam thanh niên khác một tay điều khiển xe máy, tay kia lướt bàn phím điện thoại nhắn tin. Đến khu vực chờ đèn đỏ, do không để ý phía trước, người thanh niên vượt luôn cả đèn đỏ đang bật sáng.
Người điều khiển xe máy không hề nhìn đường khi tham gia giao thông |
Chị Nguyễn Thị Thủy, ở quận Bắc Từ Liêm, bức xúc nói: “Hiện nay, tôi thấy nhiều người đang lái xe nhưng vẫn sử dụng điện thoại. Nhiều trường hợp mải nghe điện thoại khi lái xe, tài xế qua đường thiếu quan sát rất nguy hiểm, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi đi phía sau mà cứ nơm nớp lo sợ”.
Người vừa tham gia giao thông vừa nghe điện thoại, sẽ không thể lường trước được những nguy hiểm đang rình rập mình |
Trên thực tế, đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn.
Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. Dù may mắn không xảy ra tai nạn, nhưng việc mất tập trung khi lái xe cũng khiến các phương tiện lưu thông không ổn định, lấn làn hoặc di chuyển chậm chạp. Điều này chắc chắn gây phiền toái và nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Có những người vì mải tập trung vào chiếc điện thoại khi tham gia giao thông đã bỏ qua những tín hiệu đèn báo giao thông |
Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành thay thế cho Nghị định 107/NĐ-CP và Nghị định 171/NĐ-CP trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông có thể bị xử phạt từ 100.000-200.000 đồng khi điều khiển xe máy hoặc từ 600.000-800.000 đồng khi điều khiển ô tô.
“Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt vẫn chưa đáng kể. Vì vậy, đây vẫn còn là vấn đề nhức nhối của giao thông hiện nay”, Luật sư Tuấn cho hay.
Những người làm công việc ship hàng thường xuyên vừa tham gia giao thông vừa tập trung vào chiếc điện thoại di động |
Để góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm, duy trì và đảm bảo trật tự giao thông trên địa bàn, các lực lượng chức năng cần có giải pháp trọng tâm cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là xây dựng hành vi ứng xử và thái độ tôn trọng bản thân của chính những người tham gia giao thông, trong đó có việc sử dụng điện thoại di động đúng cách để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng của chính mình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại