Mồ hôi máu là bệnh gì? Mồ hôi máu có nguy hiểm không?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên-
Mồ hôi máu là bệnh gì?
Mồ hôi máu (Hematohidrosis hay Hemidrosis) là bệnh rối loạn bí ẩn đặc trưng bởi các đợt chảy máu tái phát từ vùng da bình thường dù không có bất kỳ tổn thương nào. Đây là tình trạng hiếm gặp, trong đó các mạch máu mao mạch nuôi tuyến mồ hôi bị vỡ khiến chúng tiết ra máu. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Theo một số nghiên cứu, vị trí chảy máu phổ biến ở mắt và tai, trán; các vị trí khác bao gồm thân, tay, chân, và hiếm khi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân…
Thể nhẹ, mồ hôi có màu hồng nhạt, đặc biệt là vùng trán, lưng, bụng... Lau mặt, khăn có màu đỏ. Cổ áo, quần đùi trắng thỉnh thoảng có màu hồng, đỏ, đặc biệt là sau hoạt động nặng. Ở thể nặng, máu pha trộn mồ hôi chảy trên một số vùng da của cơ thể, có thể chảy ra từ mặt, lỗ mũi, miệng... thậm chí nước mắt cũng có máu.
Hầu như tình trạng chảy máu không kéo dài, mỗi đợt khoảng vài phút và tự ngừng lại, tuy nhiên cũng có một số trường hợp thời gian chảy máu kéo dài hơn. Điều này tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước ở thể nhẹ hoặc trung bình và tác động đến tinh thần cà chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Đây là một hiện tượng chưa rõ căn nguyên. Theo các bác sĩ, hiện tượng này liên quan đến yếu tố căng thẳng thần kinh, lo âu, sợ hãi, bị stress nặng, kéo dài. Khi bị căng thẳng quá mức, các mao mạch ở da, xung quanh tuyến mồ hôi bị co thắt. Tình trạng này quá nặng hoặc kéo dài, các mao mạch sẽ bị vỡ, đứt, máu tiết vào hoặc thẩm thấu qua ống tuyến mồ hôi, làm cho mồ hôi có màu đỏ.
Một vài nghiên cứu khác cho rằng có thể có một vài khiếm khuyết trong chất đệm ở trung bì hoặc một số chất đặc biệt làm hư tổn hệ thống mao mạch nuôi dưỡng tuyến mồ hôi. Một số nghiên cứu nhận định hiện tượng này liên quan đến bệnh hệ thống, mạn tính như Hemochromatosis...
Y văn thế giới mô tả một số trường hợp "mồ hôi máu" rất đặc biệt, như một số tử tù, thủy thủ gặp bão tố trên biển, người sợ chết do mắc trọng bệnh, căng thẳng trong gia đình... Đa số trường hợp này liên quan đến rối loạn tinh thần tột độ như lo âu, sợ hãi, quá căng thẳng, sợ chết, stress triền miên...
-
Đổ mồ hôi máu có nguy hiểm không?
Cái tên “mồ hôi máu” có vẻ mang đến sự kinh hoàng và cảm giác nguy hiểm cho nhiều người, tuy nhiên đây là một bệnh lý lành tính. Máu đến từ các mao mạch nhỏ nằm gần bề mặt da, không phải tĩnh mạch sâu hoặc động mạch. Vì vậy, người bệnh không nên lo lắng việc bị xuất huyết quá nhiều dẫn đến tử vong. Ngay cả những người bị đổ mồ hôi máu ở nhiều vùng trên cơ thể thì nguy cơ bị chảy máu dẫn đến tử vong cũng rất thấp, mặc dù người bệnh có thể bị chóng mặt, lo lắng và mất nước.
Tuy là bệnh lành tính không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và trạng thái tâm lý của người bệnh. Về mặt tâm lý xã hội, những người mắc bệnh này gặp khó khăn khi tương tác với người khác vì cảm giác sợ chảy máu, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng. Bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái tự ti hoặc bị người khác kì thị, xa lánh.
Một số bệnh nhân bị bệnh từng chia sẻ họ không chỉ bị suy sụp tinh thần mà còn rơi vào trạng thái bị cô lập nên chọn cách sống khép kín vì xấu hổ với căn bệnh mình đang mắc phải. Những lời chê trách, phàn nàn từ những người xung quanh cũng khiến họ bị chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.
-
Phương pháp điều trị
Mặc dù việc tìm ra phương pháp phù hợp điều trị bệnh đổ mồ hôi máu vẫn là một thách thức, nhưng nếu phát hiện được nguyên nhân của bệnh, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị nhằm ngăn tình trạng tái diễn, có thể là:
-
Thuốc chẹn beta hoặc vitamin C để giúp giảm huyết áp;
-
Thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu,
-
Các liệu pháp trị liệu tâm lý, kiểm soát căng thẳng, rối loạn cảm xúc;
-
Thuốc làm đông máu hoặc có tác dụng cầm máu.
Nếu kết quả từ các xét nghiệm không tìm thấy bất thường nào và nếu bạn cũng đang bị các vấn đề tâm lý như stress, căng thẳng tột độ, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị để giúp bạn đối phó với nỗi sợ hãi, căng thẳng và các bệnh lý liên quan đến cảm xúc khác. Điều này có thể bao gồm việc dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu theo toa. Bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng liệu pháp tâm lý để cải thiện.
-
Cách phòng tránh
Cách phòng tránh bệnh mồ hôi máu chủ yếu hạn chế những yếu tố nguy cơ gây bệnh như tình trạng căng thẳng, stress hay mệt mỏi. Hãy tập cho mình những thói quen kiểm soát tâm trạng tốt, rèn luyện nâng cao sức khỏe như:
-
Nghe những bản nhạc yêu thích để giải tỏa căng thẳng, xem những bộ phim hài hoặc bộ phim tình cảm nhẹ nhàng, thậm chí việc đi dạo xung quanh hay nói chuyện với bạn bè cũng giúp bạn giải tỏa tâm lý rất nhiều;
-
Tập thiền, yoga, các bài tập hít thở…;
-
Dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng các nhóm chất từ thịt, cá, rau xanh, trái cây, rau củ, uống đủ nước giúp bạn có sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn, sảng khoái;
-
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê…;
-
Ngủ đủ giấc, đúng giờ bởi giấc ngủ rất quan trọng cho việc hồi phục sức khỏe và tâm lý sau một ngày làm việc căng thẳng;
-
Khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại