Vì sao bệnh dại có thể ủ bệnh đến hai năm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Virus dại. Ảnh minh họa |
Đó là trường hợp của ông R.K (46 tuổi), trú tại thôn Plei Kdăm, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa. Theo gia đình, vào năm 2023, chó nhà ông K bị một con chó lạ cắn. Trong quá trình bắt giữ chó để nhốt lại, ông K bị cắn vào tay nhưng không đi tiêm phòng dại. Con chó của gia đình ông sau đó chết và được làm thịt ăn.
Đến sáng 14/2/2025, ông K bắt đầu có biểu hiện đau nhức nhiều trong người, lạnh run, sợ nước, sợ gió, ăn uống kém. Người thân đã đưa ông đến Trung tâm Y tế huyện Ia Pa để chữa trị, sau đó tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh dại giai đoạn lên cơn. Dù được tích cực cứu chữa, ông K đã tử vong vào khoảng 3h ngày 15/2.
Trường hợp của ông K cho thấy virus dại có thể tồn tại trong cơ thể một thời gian dài trước khi phát bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, thời gian ủ bệnh dại không cố định mà dao động tùy vào lượng virus xâm nhập, mức độ nghiêm trọng của vết thương và khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương. Ở người, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 8 tuần, nhưng có thể chỉ 10 ngày hoặc thậm chí lên đến một hoặc hai năm. Khi bệnh đã khởi phát, bệnh nhân hầu như không có khả năng sống sót.
Còn ở động vật, sau khi bị nhiễm trùng, virus dại sẽ xâm nhập và phát triển đầu tiên trong mô cơ. Lúc này, virus dại có thể tồn tại trong nhiều ngày hoặc thậm chí là nhiều tháng. Trong thời gian này, con vật gần như vẫn khỏe mạnh bình thường và ít có biểu hiện của bệnh.
Trong 1 đến 3 tháng tiếp theo, virus sẽ bắt đầu xâm nhập tới các dây thần kinh trong cơ thể, tấn công tủy sống và não. Như vậy, phải mất từ 12 đến 180 ngày để virus lây lan qua các dây thần kinh ngoại vi và cuối cùng là hệ thần kinh trung ương. Từ đây, bệnh bắt đầu tiến triển nhanh chóng và bắt đầu có những biểu hiện rõ rệt của bệnh dại. Cuối cùng, con vật sẽ chết trong vòng 4 hoặc 5 ngày.
Bệnh dại là một bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây truyền từ động vật sang người qua nước bọt của động vật mắc bệnh, chủ yếu qua vết cắn hoặc vết liếm trên vùng da tổn thương. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc trị, và một khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Để phòng tránh bệnh dại, ngay sau khi bị chó cắn, cần xử lý vết thương đúng cách. Người bị cắn cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong 5 - 10 phút bằng nước sạch hoặc nước ấm, sau đó rửa lại bằng cồn và dung dịch sát khuẩn.
Tuyệt đối không nặn máu, không đắp lá cây, dầu hỏa hay các chất không rõ nguồn gốc lên vết thương. Sau đó, người bị cắn nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng nhẹ vết thương, tránh băng quá chặt làm ảnh hưởng đến lưu thông máu. Tiếp theo, cần đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại nếu vết thương thuộc độ III.
Hiện nay, việc tiêm vaccine phòng dại có hai phác đồ là tiêm bắp và tiêm trong da. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương và chỉ định phác đồ phù hợp. Do bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối khi phát bệnh, việc tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Ngoài ra, người dân cần chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi và theo dõi chúng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
![]() | Người đàn ông chấn thương nặng khi đang bơm bóng bay |
![]() | Nguy cơ nhiễm giun sán từ thú cưng |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại