Mô hình Thành phố thuộc thành phố sẽ thúc đẩy việc phân quyền mạnh mẽ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh khu đô thị Hòa Lạc - Đô thị vệ tinh của Hà Nội. Ảnh: N.M |
Khác với chính quyền quận, huyện, thị xã
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đang được Ban soạn thảo dự án Luật chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới có nội dung được nhiều góp ý đó là mô hình Thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Theo đó, mô hình Thành phố thuộc thành phố Hà Nội dự kiến được thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - TP logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - TP về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
Mô hình Thành phố thuộc thành phố Hà Nội có những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Theo dự thảo Luật mới nhất, HĐND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, pháp luật có liên quan, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, thị xã quy định tại Điều 11 và các quy định khác tại Luật Thủ đô. HĐND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Về cơ cấu tổ chức, HĐND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội gồm có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và không quá 9 đại biểu chuyên trách. Tổ chức bộ máy gồm có Ban Kinh tế - Xã hội, Ban Pháp chế và Ban Đô thị; mỗi ban gồm có Trưởng ban và không quá 2 Phó Trưởng ban. Dự thảo Luật cũng quy định về UBND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Cụ thể, UBND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, pháp luật có liên quan. Đồng thời, có nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, thị xã quy định tại Khoản 1 Điều 12 và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Luật Thủ đô.
UBND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội có quyền điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác trực thuộc; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức của Thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Về cơ cấu tổ chức, UBND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội có không quá 4 Phó Chủ tịch.
Thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh hơn
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định UBND Thành phố thuộc thành phố Hà Nội có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố thuộc thành phố Hà Nội gồm: dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300ha và quy mô dân số dưới 50.000 người; dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội.
Góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, việc tổ chức mô hình Thành phố thuộc thành phố Hà Nội sẽ thúc đẩy việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thủ đô; tạo tính chủ động, nâng cao tính chủ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn tỉnh Lai Châu) cũng cho rằng, nên quy định mô hình Thành phố thuộc thành phố Hà Nội trong dự thảo Luật vì hiện nay đã có mô hình Thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội xây dựng Thành phố trong thành phố trong tương lai gần, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Theo một số đại biểu, Mô hình tổ chức chính quyền TP Hà Nội theo Nghị quyết 97 Quốc hội khóa XIV cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội, nhưng cần thiết lập cơ sở pháp lý để thành lập Thành phố trực thuộc thành phố trong tương lai.
Đồng thời, để mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, cần bổ sung các quy định về đổi mới phương thức hoạt động, cách thức làm việc, bộ máy giúp việc… nhất là trong bối cảnh tăng cường phân cấp, phân quyền.
Hiệu quả chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hà Nội | |
Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo động lực dẫn dắt cho vùng Thủ đô và cả nước | |
Hà Nội nỗ lực hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại