Hiệu quả chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBan Tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” TP Hà Nội năm 2023 tổ chức cuộc họp góp ý xây dựng thể lệ, bộ đề thi. Ảnh: Bạch Dương |
Những cách làm hay trong tuyên truyền pháp luật
Hà Nội luôn xác định, công tác PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, TP luôn quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PBGDPL.
Việc thực hiện Luật PBGDPL đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL, tạo chuyển biến căn bản về hiệu quả của hoạt động PBGDPL. Công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL được chú trọng, tăng cường hơn; nhận thức về trách nhiệm trong triển khai của các ngành, các cấp được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn nhân lực và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn về số lượng và chất lượng.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, của cả hệ thống chính trị của TP nên đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân Thủ đô, xây dựng người Hà Nội sống và ứng xử có văn hóa pháp lý, văn minh, thanh lịch... TP đã ban hành, hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL được thực hiện đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng, ngày càng thu hút đông đảo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn bàn tham gia, tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện theo pháp luật sôi nổi trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt TP đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.
Việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn TP được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý của Thủ đô đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thực hiện Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 21/12/2022 về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn TP, hầu hết các Sở, ngành và quận, huyện, thị xã đều ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL để triển khai tại đơn vị, địa phương mình.
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở cơ sở, Cổng/Trang thông tin điện tử của các đơn vị; đẩy mạnh phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí của Trung ương và Hà Nội tuyên truyền pháp luật: Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế & Đô thị), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội… Cùng với đó, Trang thông tin điện tử PBGDPL của TP đẩy mạnh, tuyên truyền mang tính chất vừa sâu, vừa rộng với lượng truy cập khoảng 13.000-15.000 người truy cập/ngày.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 24/3/2023 tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 24/3/2023 tổ chức Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn TP. Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” được tổ chức dưới hình thức xây dựng video.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình led tại các nhà cao tầng, khu đô thị tiếp tục được duy trì. Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị các Ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành các khu nhà tái định cư phối hợp cùng các DN đang thực hiện quảng cáo qua thang máy tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng phương thức lồng ghép phát các video infographic đan xem các video quảng cáo.
TP xây dựng nhiều ứng dụng lồng ghép tuyên truyền PBGDPL như: Hà Nội Media Box trên ứng dụng Zalo và mạng xã hội Lotus để tuyên truyền các thông tin bám sát sự chỉ đạo, điều hành, các chính sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nhiều đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền qua Fanpage, Zalo, Facebook, tổ chức thi trực tuyến trên mạng để tuyên truyền. TP đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Việc chuyển đổi số được ứng dụng rõ nhất qua việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến mang lại kết quả tích cực, thể hiện sự sáng tạo, bứt phá, đổi mới trong công tác PBGDPL…
Ví dụ, Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” năm 2019, thu hút hơn 867.418 người tham gia; Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường" năm 2020 thu hút 18 triệu lượt truy cập, 772.115 lượt người tham gia dự thi, trong đó có 629.484 dự thi chính thức; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống dịch Covid-19” năm 2021, thu hút hơn 1 triệu người dự thi.
Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” năm 2023, thu hút hơn 1,5 triệu người tham gia. Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2023 được tổ chức dưới hình thức xây dựng video.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL thông qua các cuộc thi thể hiện sự sáng tạo, bứt phá trong công tác PBGDPL của TP. Kết quả bài thi của các đơn vị được công khai, minh bạch, khách quan. Việc tổ chức thi hiệu quả, lại giảm được nhiều kinh phí.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật PBGDPL gắn với thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật để nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý Nhà nước và kiến tạo sự phát triển xã hội nói chung và Thủ đô nói riêng.
Các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức trong công tác PBGDPL, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tiến tới thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động công tác PBGDPL; tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, tạo đồng thuận xã hội, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, cùng nhau quyết tâm xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại.
Ngày 19/10/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 270/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch nhằm phát huy vai trò lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, Nhân dân: 90% cán bộ, Nhân dân nói chung; trong đó 70% trở lên cán bộ, Nhân dân địa bàn trọng yếu, huyện ngoại thành có hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật: giai đoạn 2021 - 2024 đạt 50% trở lên, trong đó 40% trở lên cán bộ, Nhân dân địa bàn trọng yếu, các huyện ngoại thành, giai đoạn 2025 - 2027 hoàn thành 100%. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại