Mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, hàng điện tử, điện lạnh...
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Bên cạnh đó, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Tập trung thực hiện các Chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường về các chuyên đề chống buôn lậu như thuốc lá; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; xăng dầu giả, kém chất lượng; lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền...
Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các Cục Quản lý thị trường địa phương kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất-kinh doanh thực phẩm đường phố.Bên cạnh đó, kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá (cân, đong, đóng gói hàng hoá), công bố chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát viêc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Ngoài ra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hóa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến...
Riêng với việc kiểm soát địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1059/QĐ-BCT ngày 28-3-2017 của Bộ Công Thương phê duyệt Đề án Phòng chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại