Thứ hai 29/04/2024 02:04

MC Quyền Linh xin lỗi về việc quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, các nghệ sỹ khác thì sao?!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, MC Quyền Linh đã gửi lời xin lỗi đến khán giả, vì thiếu tiết chế khi quảng cáo một sản phẩm bị nói quá về công dụng…

MC Quyền Linh chia sẻ: “Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình”.

Đồng thời, Quyền Linh cũng chia sẻ lại thông báo cảnh báo việc anh bị mạo danh, cắt ghép hình ảnh để quảng cáo sai sự thật, mà anh từng đăng trước đó. Quyền Linh cho biết sẽ làm việc với cơ quan chức năng nhằm giải quyết những nhãn hàng sai phạm, lạm dụng hình ảnh.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Thảnh ủy TP HCM cũng đã có công văn nêu thời gian qua, báo chí phản ánh một số nghệ sĩ TP HCM có tham gia bằng nhiều hình thức như đăng bài viết, video clip trên mạng xã hội trực tiếp giới thiệu, quảng cáo về hiệu quả sử dụng một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo… không đúng với quy định pháp luật; làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng cả hình ảnh của các nghệ sĩ.

Từ thực trạng này, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật TP HCM kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng một số hội viên tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng chất lượng. Vận động hội viên không tham gia nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Công văn cũng lưu ý các văn nghệ sĩ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Mới đây, Quyền Linh đã có lời chia sẻ với truyền thông sau ồn ào anh khen quá “lố” về một sản phẩm. Cụ thể, nam MC giới thiệu một thực phẩm chức năng mà anh cho rằng có tác dụng hỗ trợ điều trị tận gốc tế bào ung thư, giúp tập trung điều trị vết loét, khoẻ dạ dày và tốt hơn 70 lần curcumin bình thường.

Nhưng theo giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe này thực chất chỉ có công dụng giúp hỗ trợ chống oxy hóa, phòng ngừa bệnh tật, giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh.

Do đó, những công dụng mà MC Quyền Linh nói trong video hoàn toàn không có trong nội dung được cấp phép quảng cáo. Và Cục An toàn Thực phẩm cũng phát thông báo một số website quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói trên vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

MC Quyền Linh xin lỗi về việc quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, các nghệ sỹ khác thì sao?!

Sau lời xin lỗi, Quyền Linh mong khán giả hãy hiểu cho mình, không phải vì tiền mà nam nghệ sĩ bất chấp quảng cáo, do anh nhầm thông tin về công dụng sản phẩm.

Nam MC cho biết anh vốn làm rất nhiều chương trình từ thiện ở bệnh viện, phục vụ người nghèo nên hiểu được nỗi khổ tâm của người bệnh. Vì lý do đó, khi nhận lời quảng cáo sản phẩm, anh cũng đã rất tiết chế. Thời gian qua, anh nhận nhiều lời mời quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng đều từ chối. 20 phút quảng cáo kiếm 40 triệu đồng.

Trước đây, Ốc Thanh Vân cũng bị dân mạng tố là bán hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, nữ diễn viên đã nhanh chóng đính chính tin đồn trên. Cô cho rằng, khách hàng đã mua sản phẩm không phải hàng của công ty cô, đồng thời hướng dẫn người này cách kiểm tra nguồn gốc hàng hóa.

Thời gian gần đây, rất nhiều người nổi tiếng, bao gồm cả diễn viên, người mẫu, ca sĩ, hoa hậu, người đẹp..., xuất hiện ngày càng nhiều trong các quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên mạng xã hội. Các sản phẩm được quảng cáo nhiều là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh), ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Để tăng độ tin cậy, nhiều người còn sử dụng sản phẩm ngay khi livestream. Facebook, YouTube, Tik Tok... đang là những kênh chính phát những quảng cáo này.

Được biết, mức giá quảng cáo của các nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu tùy vào mức độ nổi tiếng và lượng người theo dõi dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho khoảng 15-20 phút quảng cáo.

Theo khảo sát nhận thấy, quá trình hợp tác giữa nghệ sỹ với các nhãn hàng khá đơn giản. Đối tác, khách hàng chỉ cần gửi sản phẩm, chuyển tiền qua tài khoản và sẽ nhận video từ diễn viên này đã thu nội dung về việc quảng bá sản phẩm. Nếu cần chi tiết hơn, nhãn hàng và các doanh nghiệp có thể gửi kèm kịch bản theo mong muốn. Tuy nhiên, tùy tên tuổi và sự nổi tiếng, mỗi diễn viên sẽ đưa ra mức giá và điều kiện của mình đối với các nhãn hàng.

Nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn hay cũng phải công nhận việc có sự quảng cáo của người nổi tiếng, sản phẩm bán chạy hơn hẳn. Đồng thời, không ít người tiêu dùng cho biết họ lựa chọn sản phẩm vì tin tưởng ca sĩ, diễn viên, người mẫu... đó cũng sử dụng và có hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng của một số sản phẩm lại gây thất vọng, không "thần kỳ" như nghệ sĩ quảng cáo.

Vì thế, việc dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng rất cần lên án.

Ngày 21-5, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) đã có văn bản số 338/VHCS-QCTT về việc Kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Theo đó, văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng.

Nhằm kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai một số công việc sau: Kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.

Kiểm tra các điều kiện quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với hồ sơ quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trước khi thực hiện quảng cáo.

Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về quy định đối với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo (Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 Luật Quảng cáo).

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xác định hành vi vi phạm của chủ sở hữu sản phẩm quảng cáo, chủ phương tiện quảng cáo, chủ doanh nghiệp quảng cáo để phối hợp với cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực có liên quan xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về Cục Văn hóa cơ sở để kịp thời xử lý.

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động