Buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng: bị xử lý ra sao?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhóm đối tượng có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả tại cơ quan công an (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp) |
Đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng
Ngày 17/4, tin từ CATP Thanh Hóa cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam nhóm đối tượng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Thị Thịnh, SN 1978, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, là đối tượng chủ mưu cầm đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, trực tiếp tìm nguồn mua các nguyên vật liệu, thuê in vỏ bao bì và thuê người đóng gói sản phẩm, sau đó rao bán ra thị trường qua các kênh phân phối. Nguyễn Lan Hương, SN 1984 trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, là đối tượng trực tiếp liên hệ mua hàng giả của Thịnh; Trần Anh Cường, SN 1994, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, là đối tượng trực tiếp quản lý hàng hóa cho Hương, nhận đơn hàng của khách lẻ và giao hàng hóa cho khách.
Ngô Thị Tú, SN 1982, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là đối tượng được Thịnh thuê để in tem nhãn mác, bao bì, vỏ hộp giả; Nông Quang Hải, SN 1991, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, là đối tượng được Thịnh thuê để đóng hộp các sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn giả; Nhữ Thị Minh, SN 1991, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm; Phạm Văn Chiến, SN 1985 trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội và Trịnh Thị Hiệp, SN 1985, trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá, là những đối tượng trực tiếp liên hệ mua hàng giả của Thịnh để bán lẻ ra thị trường.
Trước đó, vào ngày 4/4, CATP Thanh Hóa đã khám xét đồng loạt 10 điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hóa của nhóm đối tượng trên tại Hà Nội. Qua đó, đã phát hiện hơn 4.000 hộp An cung viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm thành phẩm giá trị khoảng 10 tỷ đồng; 100 hộp An cung ngưu hoàng hoàn của Công ty Samsung Pharm sản xuất và nhiều sản phẩm nhãn mác nước ngoài nhập lậu... Được biết, qua đấu tranh và các tài liệu thu thập được, các đối tượng khai nhận, từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, những đối tượng này đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 20.000 hộp viên Hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả, với giá trị tương đương khoảng 50 tỉ đồng. Hiện, vụ việc tiếp tục được điều tra mở rộng.
Hình ảnh thực phẩm chức năng giả bị CATP Thanh Hóa thu giữ (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp) |
Chế tài đã đủ răn đe?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt theo Điều 193, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể phải đối mặt với hình phạt tù từ 2 năm đến tù chung thân. Trong đó hình phạt cao nhất là tù chung thân được áp dụng nếu thuộc một trong các trường hợp: thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể phải đối diện với hình phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, với các mức xử phạt phạt tù áp dụng với các cá nhân từ 5 đến 20 năm hoặc chung thân và ngoài ra áp dụng các hình thức phạt bổ sung như phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Có thể thấy rằng, chế tài xử phạt đã có đủ sức răn đe đến các đối tượng là cá nhân vi phạm.
“Tuy nhiên, đối với mức xử phạt áp dụng với các pháp nhân thì có thể mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bởi vì trên thực tế có thể thấy, vi phạm quy định này phần lớn vẫn là do chủ thể là các pháp nhân, số lợi bất chính thu được từ hành vi này là rất lớn. Chính vì vậy, nhiều pháp nhân vẫn bất chấp vi phạm để thực hiện hành vi đó” - luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định. Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng đề nghị cần có thêm các chế tài mạnh hơn để răn đe hành vi phạm tội kể trên. Không chỉ xử phạt về mặt kinh tế mà còn cần mạnh tay hơn xử lý chế tài hình sự. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nêu cao cảnh giác trong lựa chọn và tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại