Mâu thuẫn vì tiếng động đều đều phát ra từ căn hộ tầng trên lúc 5h sáng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Trần Công Duyên (bên trái) và ông Vũ Trọng Thủy – công chức Tư pháp phường Phúc La. Ảnh: Minh Phong |
Vợ chồng ông Long sinh sống tại căn hộ số 2106 (tầng 21, căn hộ số 6) của một tòa chung cư trên địa bàn Tổ dân phố 14 phường Phúc La.
Năm 2019, vợ chồng bà Thảo mua căn hộ số 2006 (tầng 20, căn hộ số 6) cũng tại tòa chung cư trên. Sau khi sửa chữa lại, ông bà cùng vợ chồng người con trai thứ hai và 2 cháu nội chuyển đến sinh sống.
Trong suốt quá trình chung sống, hai gia đình (tầng trên, tầng dưới) không xảy ra mâu thuẫn.
Năm 2021, vợ chồng ông Long chuyển về quê sống và bán căn hộ cho gia đình bà Ngọc. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, bà Ngọc và chồng chuyển đến sống tại căn hộ trên.
Từ khi vợ chồng bà Ngọc chuyển đến sống thì mâu thuẫn giữa gia đình bà Ngọc và gia đình bà Thảo nảy sinh.
Theo lời kể của ông Trần Công Duyên, bà Ngọc tuổi thì chưa cao nhưng nhiều bệnh tật, như tiểu đường, mỡ máu, thấp khớp và cao huyết áp. Do vậy, để cải thiện sức khỏe, ngoài việc ăn uống khoa học thì bà Ngọc rất chăm chỉ vận động, đặc biệt là những bài tập thể dục.
Từ ngày chuyển về sinh sống căn hộ trên, cứ khoảng 5h sáng hàng ngày, bà Ngọc đã ngủ dậy và tập nhảy dây để lưu thông máu các khớp chân. Mỗi lần nhảy tạo thành những tiếng “huỳnh huỵch”.
Sinh sống tại tầng dưới, gia đình bà Thảo “lĩnh” trọn những tiếng động trên khiến cả gia đình bà tỉnh giấc.
Một vài ngày đầu, bà Thảo nghĩ rằng tầng trên có trẻ con, sáng dậy sớm đùa nghịch nên bà Thảo cũng không có ý kiến gì. Nhưng tình trạng trên tiếp diễn hàng ngày, kéo dài cả tháng trời, khiến cả gia đình bà mất ngủ, kéo theo sức khỏe giảm sút nhiều, đặc biệt là 2 đứa cháu nội sinh ra ốm.
Vào một buổi sáng, vừa nghe thấy tiếng động phát ra từ căn hộ tầng trên, bà Thảo đã lên gõ cửa căn hộ 2106. Bà Ngọc vừa mở cửa, bà Thảo liền hỏi: “Bà làm gì mà sáng nào cũng ầm ầm thế, bà không cho ai ngủ à?”. “Tôi tập thể dục buổi sáng” – bà Ngọc trả lời.
Quá bức xúc, bà Thảo trút giận lên bà Ngọc, nào là: bà tập thì xuống sân mà tập, sống ở chung cư phải có ý thức một chút chứ; bà làm ầm thế thì gia đình tôi ngủ thế nào được, bà định “giết” dần giết mòn nhà tôi à…?.
Trước thái độ của bà Thảo, bà Ngọc phản ứng lại: “Nhà tôi, tôi thích làm gì thì tôi làm, nhà bà không ngủ được thì kệ nhà bà. Bà không sống được thì bán nhà đi mua chỗ khác mà ở…” và đóng sầm cửa lại.
Trở về nhà với “cục tức” trong người, bà Thảo làm đơn nhờ tổ hòa giải can thiệp. Cũng là cư dân của tòa chung trên nên sau khi trao đổi với tổ hòa giải, ông Trần Công Duyên trực tiếp nhận xử lý vụ việc.
Buổi hòa giải được tổ chức tại nhà văn hóa tổ dân phố, ông Duyên mời đại diện hai gia đình bà Thảo và bà Ngọc, đại diện Hội Phụ nữ phường, công chức tư pháp phường và một số hòa giải viên của Tổ dân phố 14.
Tại buổi hòa giải, vì là cư dân mới nên ông Duyên đã giải thích cho bà Ngọc hiểu rõ về quy định của tòa chung cư, những việc mà cư dân được làm và không được làm. Ngoài ra, ông Duyên cũng trích dẫn quy định pháp luật và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình quy định như sau:
"Điều 6. Vi phạm quy định về đảm bảo sự yên tĩnh chung.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
c) Bán hàng ăn, uống, hàng giải khát quá giờ quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này."
Sau khi nghe ông Duyên phân tích, bà Ngọc đã nhận lỗi và gửi lời xin lỗi đến tổ hòa giải. Bà Ngọc chia sẻ: “Thật ra, tôi không phải là người bảo thủ, chẳng qua, khi lên nhà tôi, chị Thảo đã có những lời nói khó nghe nên tôi mới cư xử như vậy. Tôi gửi lời xin lỗi tổ hòa giải và cá nhân chị Thảo và hứa sẽ lùi thời gian tập thể dục đến 7h30 sáng”.
Ông Duyên cũng phân tích rõ cho bà Thảo hiểu về hành động quá nóng nảy của bà đã đẩy sự việc đi xa. Nếu bà nhẹ nhàng hơn, tinh tế hơn thì đã không đến nỗi hai bên gia đình phải gặp nhau trong hoàn cảnh như này.
Nghe ông Duyên nói, bà Thảo nhận thấy mình đã không khéo léo trong lời ăn tiếng nói. Bà cũng gửi lời xin lỗi tổ hòa giải và cá nhân bà Ngọc.
Hai bên chấp nhận lời xin lỗi của nhau. Họ bắt tay giải hòa trong niềm vui của những người tham gia.
(Tên nhân vật và số căn hộ đã được thay đổi)
Chuyện từ cái bếp ninh xương của chủ quán phở | |
Hàn gắn tình cảm mẹ chồng nàng dâu | |
Tranh chấp nhà văn hóa… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại