Mất cảm giác do biến chứng của bệnh tiểu đường, người phụ nữ bị cháy xém ngón chân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại BV Đa khoa Xanh-Pôn, bệnh nhân L.T.T.L, 59 tuổi có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) 17 năm. Trước đó 6 ngày, bệnh nhân đi nằm giường mát-xa Hàn Quốc (loại máy chuyên sâu 7.700) với mục đích tiêu giảm mỡ bụng. Nhiệt độ của giường được đặt ở mức 54 độ C với thời gian một ca 30 phút.
Khi nằm được 15 phút do quá nóng bà L. chống 2 ngón chân cái xuống để gồng người lên cho bớt nóng, chỉ để phần bụng tiếp xúc với giường. Buổi chiều cùng ngày, sau khi đi khiêu vũ về bà L. thấy 2 ngón chân phồng rộp nhưng không nghĩ mình bị bỏng từ sáng mà lại tiếp tục ngồi máy mát xa của hàng xóm 15 phút. Sau 15 phút, chỗ phồng rộp ở chân bệnh nhân dập nước, lột da, đỏ loét.
Ngày hôm sau, bệnh nhân lại tiếp tục đi nằm ghế mát-xa. Nhân viên Hàn Quốc hướng dẫn chiếu đèn tia hồng ngoại vào chỗ tổn thương ở ngón chân để vô trùng cho bà. Lần này, liệu trình được cài đặt vẫn là 30 phút .
"Sau liệu trình, nhìn xuống tôi thấy 2 bàn chân mình cháy đen xì thay vì đỏ loét”, bà L. kể lại.
Về nhà, bệnh nhân tự rửa và băng bó vết thương nhẹ. Do không có cảm giác nên bà cũng không cảm thấy quá sốt ruột. Sau đó 2 ngày bà mới nhập viện ở Hải Phòng. Tại đây các bác sĩ cho rằng bà đã bị hoại tử ngón chân do biến chứng tiểu đường phải cắt cụt.
Tuy nhiên, để yên tâm hơn, bà L. đã lên Hà Nội và được các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn điều trị vết loét ở bàn chân mà không cần phải cắt cụt.
TS-bác sỹ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn cho biết, người mắc đái tháo đường thông thường có những tổn thương ngoại vi dù sớm hay muộn. Chính vì những tổn thương này khiến bệnh nhân giảm và mất cảm giác do vậy tuyệt đối không bao giờ được chườm, sưởi nước ấm nước nóng.
“Do mất cảm giác, giảm cảm giác nên người mắc đái tháo đường có tổn thương ngoại vi nguy cơ bị bỏng rất cao mà không biết. Thậm chí, nếu không bị bỏng thì nhiệt độ cao làm bệnh nhân dù mang lại cảm giác dễ chịu nhưng sẽ làm tổn thương dây thần kinh ngoại vi và càng ngày bệnh càng trầm trọng hơn”, TS-Đỗ Đình Tùng phân tích.
Nữ bệnh nhân đang được điều trị vết loét ở bàn chân do bỏng (ảnh: T.A) |
Bác sỹ Tùng cho biết, mỗi khi mùa đông đến bác sỹ tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân biến chứng tiểu đường ở bàn chân với những vết thương bỏng da, cháy da rất nhiều. Nguyên nhân là do chườm nóng… Vì vậy về lâu về dài tuyệt đối không ngâm, không chườm đặc biệt người nào đã có tổn thương ngoại vi thì phải tuyệt đối kiêng ấm, kiêng nóng, không được sưởi.
Ngoài ra để chống loét chân bệnh nhân phải tái khám định kỳ, nếu không có tổn thương ngoại vi tái khám 1 năm một lần, còn đã tổn thương ngoại vi thì phải 6 tháng khám bàn chân 1 lần.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế Giới (IDF), cứ mỗi 20 giây có 1 bệnh nhân đái tháo đường phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tay, chân. Đây là điều tệ nhất xảy ra với biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường.
Để cung cấp những kiến thức đầy đủ, quan trọng về bệnh đái tháo đường, hạn chế những biến chứng đáng tiếc cho người bệnh, từ 8g30-16g ngày 18,19-12-2020 Trung tâm kỹ thuật cao, Bệnh viện Xanh Pôn và Hội người Giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình Ngày hội Đái tháo đường 2020".
Tại đây, mọi người sẽ được tham gia được miễn phí hoàn toàn các chương trình: Khám tư vấn đái tháo đường, thử đường máu; Khám phát hiện biến chứng đái tháo đường; Tư vấn điều trị, tư vấn chế độ ăn uống, chế độ luyện tập; Chụp đáy mắt kỹ thuật số phát hiện sớm biến chứng mắt; Khám phát hiện biến chứng sớm thần kinh ngoại vi bằng máy Biothesiometer; Đo chỉ số ABI phát hiện biến chứng mạch máu; Đo mức độ loãng xương, kiểm tra mỡ cơ thể, đo huyết áp; Tư vấn sử dụng các sản phẩm của các đơn vị có uy tín trong điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường; Cập nhật các kiến thức mới và tiến bộ khoa học trong điều trị đái tháo đường từ các chuyên gia đầu ngành về Đái tháo đường tại Việt Nam...
Hội thảo còn là cơ hội quý cho đội ngũ bác sỹ từ các bệnh viện cập nhật kiến thức y khoa từ chuyên gia hàng đầu, từ đó áp dụng vào thực tiễn chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường và biến chứng, dành lại chất lượng sống tốt nhất cho người bệnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại