Thứ sáu 22/11/2024 15:49

Mạo danh giám đốc marketing của Shopee lừa đảo, nhiều người dính bẫy

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tin nhắn gửi vào số điện thoại cá nhân, tự giới thiệu là GĐ marketing của Shopee với nội dung tuyển nhân viên chuyên đặt hàng để nâng cao số lượng giao dịch và thứ hạng của cửa hàng. Chỉ cần có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến, mỗi ngày dễ dàng kiếm được 800 nghìn đồng bằng điện thoại di động, tiền lương sẽ được quyết toán ngay trong ngày… Dòng tin nhắn đầy cạm bẫy thế này đã khiến nhiều người mất tiền, mất luôn cả quyền kiểm soát các tài khoản trên mạng xã hội.
Những tin nhắn dụ dỗ “con mồi”
Những tin nhắn dụ dỗ “con mồi”

Lời mời kiếm tiền hấp dẫn

Lần theo dòng tin nhắn nói trên theo hướng dẫn: Nếu bạn muốn tham gia công việc này vui lòng add tài khoản zalo của GĐ marketing của Shopee theo số: +84567259636, PV được chấp nhận kết bạn. Ảnh avatar hiện ra một cô gái còn rất trẻ với lời nhắn: Chào bạn, bạn đến ứng tuyển công việc có phải không ạ?. Tiếp đó, “nhà tuyển dụng” sẽ hỏi các câu hỏi về tên, tuổi, chuyên ngành của “ứng viên”. Dù có trả lời tên gì hay làm việc gì, chuyên ngành nào đi chăng nữa “ứng viên” xin việc sẽ tiếp tục được giới thiệu “GĐ” là người đang làm việc tại Shopee- một nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng tại Việt Nam.

Hiện có rất nhiều người bán hàng trên nền tảng cần tuyển một số lượng lớn người đặt đơn hàng để giúp cửa hàng của họ tăng lượng giao dịch, mục đích là để thứ hạng của cửa hàng tốt hơn trong sàn giao dịch thương mại Shopee. Bạn chỉ cần thao tác và khớp lệnh trên app của chúng tôi để kiếm tiền, mỗi đơn hàng, bạn sẽ nhận được 2% trên giá trị gốc của đơn hàng. Dự án này hoàn toàn không rủi ro, bạn chỉ cần có điện thoại thông minh và làm việc tại nhà, nếu đã rõ thì bạn có thể bắt tay vào làm luôn. Cùng với đó vị “GĐ” này gửi một đường link mang tên: https://hishopee.vip với mã xác nhận 857193 để đăng nhập.

Nếu nghe theo lời mời chào đầy hấp dẫn này, “con mồi” sẽ được hướng dẫn tạo một tài khoản trên app shopee, trong tài khoản chỉ cần nạp 50 nghìn đồng là có thể bắt đầu công việc. Hướng dẫn viên của “GĐ” sẽ hướng dẫn một kèm một “con mồi”: Làm thế nào để giúp các cửa hàng kiếm tiền. Cùng với sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên, bạn có thể dễ dàng kiếm 200 nghìn đến 5 triệu đồng mỗi ngày. Thực sự với lời chào mời “hấp dẫn” và có vẻ toát lên vẻ tin cậy thế này, không ít người đã bị dính bẫy.

Dù đã biết chắc chắn đây là đường link lừa đảo, đánh cắp thông tin, kiểm soát tài khoản của người truy cập nhưng PV vẫn liên hệ với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) để kiểm tra. Theo sự hướng dẫn của NCSC, người dùng chỉ cần gõ đường link nghi ngờ lừa đảo, giả mạo vào mục Công cụ kiểm tra website phishing để kiểm tra độ an toàn. Khi PV gõ đường link https://hishopee.vip đã nhận được kết quả: website này chưa được đánh giá tín nhiệm mạng bởi NCSC.

Để cẩn thận hơn, PV đã gọi đến tổng đài 19001221 của Shopee để kiểm chứng thông tin, tuy nhiên để vượt qua nhiều phút tổng đài tự động, gặp được tư vấn viên là điều bất khả thi sau nhiều lần thử. Đây cũng là một điều gây không ít khó khăn cho người dân khi muốn kiểm chứng, thông báo về website, đường link có dấu hiệu lừa đảo.

Không phải đến trường hợp này, những năm gần đây trên zalo đang rộ lên vấn nạn đường link độc ngày càng lan rộng và nhanh chóng. Tương tự như vậy, trên Facebook, khi bạn truy cập vào đường link độc, thì tài khoản mạng xã hội của bạn sẽ bị đánh cắp. Việc hack mất tài khoản các trang mạng xã hội này thường mang mục đích đánh cắp thông tin của nạn nhân và sử dụng vào những mục đích lừa đảo.

Các đường link độc trên zalo ngày càng lan nhanh bởi sau khi hack được nick Zalo của nạn nhân, tin tặc sẽ sử dụng chính tài khoản của nạn nhân tiếp tục gửi những đường link đó vào trong các group, người thân, bạn bè trên Zalo của nạn nhân. Với tính hiếu kỳ và sự tin tưởng của những người xung quanh của nạn nhân, việc những người đã nhận được đường link độc sẽ dễ dàng tin tưởng và nhấp vào đường link đó dẫn đến việc chính bản thân mình cũng mất đi tài khoản Zalo bởi tin tặc.

Việc bị đánh cắp tài khoản sẽ có thể dẫn tới việc bạn sẽ bị đánh cắp đi số tiền có trong tài khoản, hay người thân của bạn sẽ bị tin tặc lừa và chuyển một số tiền cho chúng.

Cách nhận biết một đường link có an toàn hay không

Trước khi click vào bất kì một đường link nào đó bạn nên chắc chắn rằng đó có phải là một đường link an toàn hay không, tránh tình trạng bị hack mất tài khoản và đánh cắp thông tin sử dụng cho những mục đích xấu.

Tin tặc lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, lừa đảo trực tuyến và chiếm đoạt tài sản thông qua không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn. Chuyên gia về an ninh mạng cũng đã cho hay rằng, số người sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay như: Zalo, Facebook, Instagram,… ở nước ta rất lớn. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho tin tặc sử dụng những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để đem lại tiền tài cho chúng. Khi được gửi đường link lạ hay việc vay mượn tiền,…. cần phải gọi điện xác minh ngay.

Không truy cập vào những đường link, liên kết trong tin nhắn không rõ nguồn gốc. Không tin tưởng vào những chiêu trò lừa đảo thông qua mạng với yêu cầu chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại hay chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để nhận thưởng, nhờ nhận hàng gửi từ nước ngoài về, tuyển dụng đi làm kiểu ngồi nhà bấm vài thao tác điện thoại là kiếm tiền triệu. Khi kết bạn trên các trang mạng xã hội cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với người lạ, đặc biệt đối với những người hay quảng cáo bán hàng.

Tuyệt đối giữ kín những thông tin cá nhân, không dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin thẻ ngân hàng,... cho bất kì người lạ nào. Không chuyển tiền cho bất kỳ ai kể cả những người thân, bạn bè khi chưa biết rõ thông tin cụ thể và xác nhận trực tiếp với người đó.

Không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước, giấy chứng minh, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không chuyển khoản cho người không quen biết,… Khi có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần giữ bình tĩnh và báo ngay với các cơ quan chức năng để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Những tin nhắn dụ dỗ “con mồi”:

Mạo danh giám đốc marketing của Shopee lừa đảo, nhiều người dính bẫy
Mạo danh giám đốc marketing của Shopee lừa đảo, nhiều người dính bẫy
Mạo danh giám đốc marketing của Shopee lừa đảo, nhiều người dính bẫy
Mạo danh giám đốc marketing của Shopee lừa đảo, nhiều người dính bẫy
Trong quá trình sử dụng tài khoản Zalo hay các trang mạng xã hội khác, bạn luôn cần chú ý và đề cao cảnh giác. Bởi bất cứ lúc nào bạn cũng có thể trở thành nạn nhân cho tin tặc bị đánh cắp tài khoản và chiếm đoạt tài sản. Chính vì thế tuyệt đối không nên truy nhập các đường link lạ được gửi qua tin nhắn riêng hay trong những group, giữ kín thông tin cá nhân, xác nhận rõ thông tin với bạn bè người thân khi thấy những thông tin lạ.
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động