Mạnh tay với những vi phạm về nồng độ cồn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững vi phạm về nồng độ cồn là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vì thế việc thường xuyên kiểm tra vi phạm này cần được đẩy mạnh |
Nhiều trường hợp xử phạt kịch khung vẫn... cố chấp
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho hay, từ thực tế các kỳ nghỉ lễ vừa qua, lưu lượng phương tiện người tham gia giao thông đông, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai cao điểm lần này. Mục tiêu của cao điểm là kiềm chế được tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đảm bảo chống ùn tắc để phục vụ Nhân dân đi lại được thông suốt an toàn trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay là thanh, thiếu niên đi xe máy lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; chở quá số người, vi phạm thể lệ vận tải, vi phạm chở quá tải.
Trong cao điểm này, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tiến hành đồng bộ kiểm tra, xử lý vi phạm trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường thủy và đường sắt để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt siết chặt vi phạm nồng độ cồn. Bởi những vi phạm về nồng độ cồn là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Nếu cố tình vi phạm, lái xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Mức phạt đối với lái xe ôtô khi vi phạm nồng độ cồn. Mức nồng độ cồn ≤ 50 mg/100 ml máu hoặc ≤ 0,25 mg/1 lít khí thở thì bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng; > 50 – 80 mg/100 ml máu hoặc ≤ 0,25 – 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt 16 – 18 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 16-18 tháng; nồng độ cồn > 80 mg/100 ml máu hoặc > 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Mức phạt đối với lái xe máy khi vi phạm nồng độ cồn. Mức nồng độ cồn ≤ 50 mg/100 ml máu hoặc ≤ 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 10-12 tháng; > 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc > 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở thì mức phạt 4-5 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 16-18 tháng; nồng độ cồn > 80 mg/100 ml máu hoặc > 0,4 mg/1 lít khí thở thì mức phạt là 6-8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Triển khai ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy theo chỉ đạo của Bộ Công an từ ngày 1/3, PV ghi nhận tại Hà Nội, các đội cảnh sát giao thông địa bàn đã làm nghiêm túc, có nhiều trường hợp bị xử phạt kịch khung vẫn cố chấp cho rằng… mình hoàn toàn tỉnh táo.
Thiếu tá Phạm Minh Quân, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) cho biết: “Đa số người vi phạm cho rằng, mình vẫn rất tỉnh táo, có nhiều trường hợp cho rằng uống ít, hoặc xin được nộp phạt tại chỗ nhưng tất cả những trường hợp này không được nộp phạt tại chỗ mà còn bị tước giấy phép lái xe, tạm giữ xe”.
Đừng biến thành "tội đồ" vì "ma men" sau tay lái
Mới đây, vụ một tài xế ngồi lai rai 6 tiếng, uống hết 4 thùng bia còn cầm lái, đâm xe gây tai nạn tại tiệm bánh mì tại Đà Nẵng đã khiến cho rất nhiều người bàng hoàng.
Thống kê kết quả các đợt kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng cho thấy, dù đã tăng mức phạt nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Đáng chú ý, tỉ lệ nữ lái xe vi phạm nồng độ cồn có xu hướng gia tăng.
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 9 đến ngày 11/4/2022), lực lượng CSGT đường bộ các địa phương đã xử lý tới 15.951 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó 1.040 trường hợp vi phạm nồng độ cồn;
Đó là những con số rất đáng lo ngại. Khi người ta “mải vui” ngày nghỉ mà quên mất việc chấp hành luật lệ giao thông, quên mất ý thức bảo vệ tính mạng của mình cũng như tính mạng của người khác.
Nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi được kiểm tra vẫn phân trần lý do |
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan rượu bia. Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Và có thực tế là nhiều trường hợp vẫn cố chấp và không ý thức được vi phạm của mình. Trong một buổi kiểm tra của Đội Cảnh sát giao thông số 9 tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), khi tổ công tác dừng xe máy biển kiểm soát 29X3-4xx.xx chở 2 người trong tình trạng loạng choạng, người điều khiển xe là Hoàng Đức H (ở huyện Đan Phượng) có kết quả đo nồng độ cồn gần gấp đôi kịch khung là 0,719 miligam/lít khí thở. Thê nhưng sau khi ký biên bản vi phạm, ông H bỏ đi và “không quên” đe dọa giật khẩu trang một chiến sĩ trong tổ công tác.
Chính vì thế, việc tăng cường kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn với lái xe cần được đẩy mạnh hơn; không chỉ đợi khi xảy ra TNGT mới kiểm tra để tìm nguyên nhân, xử lý. Cá nhân người tham gia giao thông phải có trách nhiệm với tính mạng của mình và mọi người. Không thể lấy lý do “vẫn tỉnh táo” để cố tình điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại