Thứ sáu 29/03/2024 17:15

Lý do yêu cầu hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phản ánh đến đường dây nóng 0988811123 của Ấn phẩm PL&XH, ông Bùi Quang Thinh, TGĐ Cty CP Tư vấn, Xây dựng và Dịch vụ Điện Việt (Cty Điện Việt), phản ánh, Cty Điện Việt có đơn gửi Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế số 23379 và Bằng độc quyền sáng chế số 16461 của Cty CP Đầu tư Phát triển điện lực (EDI).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giải pháp rất đơn giản về trạm biến áp

Ông Thinh cho rằng, cả hai bằng độc quyền sáng chế (bằng sáng chế) số 16461 và 23379 được Cục SHTT cấp cho Cty EDI có nhiều điểm sai phạm. Vì vậy, ông Thinh đã nộp các đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực các bằng sáng chế: Số 16461 (bằng 16461) được đề nghị hủy bởi các đơn số ĐN1-2020-091 ngày 24/3/2020 và số ĐN1-2020-0141 ngày 21/5/2020 với lý do, yêu cầu bảo hộ của bằng 16461 không đáp ứng quy định tại điểm 17.1.c và 23.6.c Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 (Thông tư 01); Việc mô tả “cụm trung áp” trong điểm 1 yêu cầu bảo hộ không đáp ứng quy định tại điểm 23.6.c Thông tư 01; Điểm 1 yêu cầu bảo hộ của bằng 16461 không mới và không sáng tạo theo quy định tại Điều 60 và 61 Luật SHTT.

Bằng độc quyền sáng chế số 23379 (bằng 23379) được đề nghị hủy bởi đơn số ĐN1-2020-159 ngày 10/6/2020, với lý do, Điểm 1 yêu cầu bảo hộ của bằng 23379 không đáp ứng tiêu chuẩn trình độ sáng tạo tại thời điểm cấp bằng theo quy định tại Điều 61 Luật SHTT; Việc mô tả “cụm trung áp” trong điểm 1 yêu cầu bảo hộ không đáp ứng quy định tại điểm 23.6.c Thông tư 01; Việc sửa đổi, bổ sung đơn tách vượt quá phạm vi của đơn gốc trái với quy định tại điểm 17.1.c Thông tư 01.

Theo ông Thinh, sáng chế được cấp hai bằng 16461 và 23379 là giải pháp rất đơn giản về trạm biến áp. Trong đó, bằng 16461 là giải pháp bố trí ba cụm thiết bị điện (máy biến áp, cụm trung áp và cụm hạ áp) vào thành một khối tạo thành trạm biến áp; với máy biến áp được đặt ở trên cao, cụm trung áp và cụm hạ áp được đặt ở phía dưới, bên trong một cái hộp đứng chịu lực gọi là trụ đỡ vừa để chứa cụm trung áp và cụm hạ áp, vừa để đỡ máy biến áp; hộp đứng chịu lực được chia thành hai ngăn dọc để chứa cụm trung áp và cụm hạ áp nằm trong ở bên trong.

Bằng 23379 là giải pháp bố trí ba cụm thiết bị điện (máy biến áp, cụm trung áp và cụm hạ áp) được tách ra từ đơn gốc đã được cấp bằng 16461, nên nó có các đặc điểm giống hệt như bằng 16461 chỉ thêm một đặc điểm duy nhất đó là: Ngăn dọc chứa cụm trung áp và ngăn dọc chứa cụm hạ áp ở hai bên khác nhau.

Với nội dung trên, ông Thinh băn khoăn không rõ lý do gì mà Cục SHTT lại xử lý trong thời gian khá dài và có nhiều bất cập như: Các đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực nêu trên được nộp từ tháng 3/2020, tuy nhiên cho đến nay, quá trình xử lý các đơn này vẫn chưa dứt điểm. “Tiền hậu bất nhất” trong cách xử lý đơn: Sáng chế được cấp bằng 16461 và bằng 23379 đều không đáp ứng điều kiện cấp bằng theo quy định tại Điều 58 Luật SHTT và có nhiều thiếu sót về bản mô tả theo quy định tại điểm 17.1.c và điểm 23.6.c Thông tư 01 nhưng khi xem xét đơn, Cục SHTT lại có các kết luận khác nhau.

Cụ thể là, đối với các đơn số ĐN1-2020-091 và ĐN1-2020-0141 đề nghị hủy bỏ hiệu lực của bằng 16461, thì kết luận xử lý đơn của Cục SHTT là hủy một số điểm trong yêu cầu bảo hộ của bằng 16461 (Quyết định số 4945w/QĐ-SHTT và số 4946w/QĐ-SHTT ngày 29/3/2021 về việc giải quyết đề nghị hủy bỏ hiệu lực của Cty CP Tư vấn, Xây dựng và Dịch vụ Điện Việt), trong khi đối với đơn ĐN1-2020-159 đề nghị hủy bỏ hiệu lực của bằng 23379, Cục lại kết luận là thu hồi Quyết định cấp bằng (Quyết định số 2258w/QĐ-SHTT ngày 8/2/2021 về việc thu hồi Quyết định số 2109w/QĐ-SHTT ngày 10/3/2020 về việc cấp Bằng độc quyền sáng chế số 23379).

Chưa được giải quyết thoả đáng?

Theo ông Thinh, mặc dù kết quả xử lý các đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực của bằng 16461 như trên là có lợi cho Cty EDI nhưng Cty EDI vẫn nộp đơn khiếu nại các Quyết định số 4945w/QĐ-SHTT và 4946w/QĐ-SHTT của Cục SHTT (Đơn số KN1-2021-0491 và KN1-2021-0492) nhằm yêu cầu Cục giữ nguyên phạm vi bảo hộ của bằng 16461. Khi nhận được các đơn khiếu nại của Cty EDI đối với các Quyết định nêu trên, ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại lại ký ban hành 2 Thông báo số 25705w/SHTT-TTKN và 25706w/SHTT-TTKN ngày 11/10/2022 với nội dung trái ngược với các nội dung đã được kết luận trong hai Quyết định này.

Nhận thấy việc xử lý đơn của Cục SHTT có dấu hiệu vi phạm pháp luật và thiên vị cho Cty EDI, ông Thinh đã nộp đơn khiếu nại, tố cáo cá nhân có thẩm quyền của Cục. Nhưng đến nay, yêu cầu của ông chưa được Cục giải quyết thoả đáng. Ông Thinh diễn giải, trong Văn bản số 10294 ngày 4/11/202 kết luận về đơn tố cáo của ông Thinh, Cục SHTT thừa nhận là ông Lê Huy Anh đã bỏ qua cơ sở pháp lý và tham mưu sai luật để Cục thực hiện việc thu hồi Bằng độc quyền sáng chế số 23379 là trái quy định pháp luật, nhưng lại giải thích rằng đây là việc làm thể hiện trách nhiệm với xã hội của Cục SHTT khi phát hiện ra bằng 23379 bị cấp sai. Đáng nói, bằng 16461 có sai sót tương tự như bằng 23379 lại không bị thu hồi?

Do không đồng tình với kết luận trên, ông Thinh tiếp tục có đơn yêu cầu Cục làm rõ toàn bộ nội dung tố cáo bổ sung tại Công văn số 1021 ngày 21/10/2022 của Cty Điện Việt chưa được Cục xử lý triệt để.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng Tổ chức, Cục SHTT cho biết, quy trình xử lý đơn khiếu nại, đề nghị huỷ bỏ hiệu lực văn bản bảo hộ là quy trình bình thường, được Luật SHTT quy định. Cục xác nhận, ông Bùi Quang Thinh có đơn đề nghị huỷ bỏ hiệu lực với Bằng độc quyền sáng chế 23379 và 16461. Ông Thinh có đơn tố cáo, kiến nghị đối với ông Lê Huy Anh. Hai đơn này đã được cục xử lý xong. Quá trình xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, Cục cũng đã hướng dẫn, trao đổi với ông Thinh về việc nếu ông Thinh cảm thấy chưa hài lòng với kết quả giải quyết của Cục thì có thể làm đơn lên cấp cao hơn theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã
Kiến nghị có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái pháp luật
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động