Chủ nhật 28/04/2024 14:04

Lý do giải thưởng Sân khấu năm 2023 thiếu vắng giải A?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Sân khấu năm 2023. Điều đáng nói là thiếu vắng giải A tại hai hạng mục quan trọng là vở diễn và kịch bản văn học.
Lý do giải thưởng Sân khấu năm 2023 thiếu vắng giải A?
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải B cho 3 vở diễn sân khấu xuất sắc năm 2023. Ảnh: Ban tổ chức

Thiếu hụt đội ngũ sáng tạo

Tổng kết giải thưởng Sân khấu năm 2023, Hội đồng nghệ thuật (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) đã trao 40 giải thưởng cho các hạng mục thường niên, gồm: tác giả Kịch bản – Sách nghiên cứu lý luận phê bình; các vở diễn sân khấu; diễn viên xuất sắc và họa sĩ xuất sắc.

Trong đó, hai hạng mục tác giả Kịch bản – Sách nghiên cứu lý luận phê bình; các vở diễn sân khấu không có giải A.

Lý giải về việc vắng bóng giải A tại hai hạng mục quan trọng nhất, TS Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhận định, năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ các tác phẩm nghệ thuật cả về lượng và chất thì năm 2023 đời sống sân khấu trở về ảm đạm và bế tắc. Hội đồng nghệ thuật phải “gạn đục khơi trong” các công trình, tác phẩm lựa chọn trao giải B (không có giải A) cho 3 vở diễn sân khấu.

Thẳng thắn nhìn nhận những thách thức của ngành sân khấu phải đối mặt hiện nay là việc một số địa phương hoàn thành chỉ tiêu sắp xếp tinh gọn bộ máy dẫn đến khủng hoảng đội ngũ sáng tạo, thiếu hụt đội ngũ phê bình sân khấu, nhiều nghệ sĩ trẻ bỏ nghề vì mưu sinh.

Thiếu nhân lực về đội ngũ sáng tạo, sân khấu nghệ thuật khó giải được bài toán về chất lượng các tác phẩm mang tính thời đại. Trong khi, nghệ thuật là “thầy già con hát trẻ”. Nhiều tác phẩm sân khấu hiện nay chỉ đạt về mức minh họa lịch sử ở các đề tài về lịch sử, dân gian mà không có các tác phẩm mang tính đấu tranh, dấn thân phản ánh mọi vấn đề bức bối của đời sống xã hội.

TS Nguyễn Đăng Chương nêu cụ thể, hiện nay Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có 218 hội viên là tác giả chuyên nghiệp và không chuyên. Tuy nhiên, số lượng tác giả có kịch bản thường xuyên dàn dựng ở các đơn vị nghệ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay.

TS Nguyễn Đăng Chương khẳng định: không thể xây dựng và phát triển thành công nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên nền tảng của sự khủng hoảng về nguồn nhân lực con người, đặc biệt là đội ngũ sáng tạo.

Tạo “cú hích” sân khấu nghệ thuật từ các kỳ liên hoan

Nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm sân khấu, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, năm 2024 Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức các kỳ liên hoan nghệ thuật gồm: Liên hoan Sân khấu toàn quốc về đề tài thiếu nhi; Liên hoan Sân khấu Thủ đô toàn quốc lần thứ VI; Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh toàn quốc; Liên hoan nghệ thuật truyền thống tại Cộng hòa Czech...

Gỡ khó cho bài toán phát triển kịch bản sân khấu hiện nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về nâng cao chất lượng kịch bản và dàn dựng những tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi; hội thảo “Các tác phẩm sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng”, hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh NSND Viễn Châu…

Về công tác năm 2024, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tập trung xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Xây dựng đề án “Đặt hàng, dàn dựng, quảng bá tác phẩm về đề tài cách mạng”, đề án “Liên hoan các vở diễn sân khấu tiêu biểu về đề tài cách mạng”; xây dựng Đề án số hóa tác phẩm kinh điển các loại hình nghệ thuật sân khấu, số hóa các chân dung nghệ sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Nghệ sĩ Nhân dân.

Giải thưởng sân khấu Việt Nam 2023, ở hạng mục tác giả kịch bản - Sách nghiên cứu lý luận, phê bình năm 2023 Ban tổ chức trao 17 giải thưởng, trong đó có 4 giải B, 6 giải C, 7 giải Khuyến khích.

Các giải B thuộc về kịch bản “Vòng tròn bội bạc” của tác giả Chu Lai, “Xuân Hương nữ sĩ” của tác giả Nguyễn Đức Minh, “Ngôi sao không tắt” của tác giả Nguyễn Đình San, sách “Sự trở lại của sân khấu” của tác giả Nguyễn Thế Khoa.

Ở hạng mục vở diễn sân khấu, Ban tổ chức trao 10 giải thưởng, trong đó có 3 giải B, 7 giải C. 3 giải B thuộc về vở kịch nói “Lôi vũ” (Sân khấu Lệ Ngọc), vở tuồng “Nửa cõi sơn hà” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), vở chèo “Đại đội trưởng của tôi” (Nhà hát Chèo Quân đội).

Dịp này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng, cơ cấu 12 giải thưởng, gồm 2 giải A, 3 giải B và 7 giải C cho các tác phẩm xuất sắc.

NSƯT Thiện Tùng: “Tự hào là người nghệ sĩ Thủ đô” NSƯT Thiện Tùng: “Tự hào là người nghệ sĩ Thủ đô”
Giải thưởng Oscar 2024 có nhiều khoảnh khắc thú vị nhất Giải thưởng Oscar 2024 có nhiều khoảnh khắc thú vị nhất
Vợ chồng Tấn Minh - Thu Huyền nhân đôi niềm vui khi cùng được trao danh hiệu NSND Vợ chồng Tấn Minh - Thu Huyền nhân đôi niềm vui khi cùng được trao danh hiệu NSND
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động