Lưu ý quan trọng về định hướng đề thi tốt nghiệp THPT 2023
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình, nội dung chủ yếu ở lớp 12. Vì thế, học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập.
Học sinh bám sát đề thi minh họa để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học.
Với phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT đã sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năng lực, kỹ năng của học sinh chỉ thực sự được đánh giá chính xác khi đề thi sử dụng ngữ liệu mới lạ. Cách này nhằm tránh việc học sinh học thuộc lòng máy móc và làm theo văn mẫu.
Vì vậy, học sinh cần luyện tập để có kỹ năng trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của chương trình và trong đề thi nên dù đề thi dùng ngữ liệu trong hay ngoài sách giáo khoa, thí sinh vẫn làm được, tránh việc học tủ hay đoán đề.
Cùng với đó, học sinh cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập với từng môn học. Để dễ nhớ, các em xây dựng đề cương dạng sơ đồ hóa theo từng chương, từng chủ đề của chương trình học. Sau đó luyện tập theo các câu hỏi, bài tập liên quan rồi mở rộng luyện tập theo yêu cầu vận dụng kiến thức.
Theo ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022. Theo đó, Bộ chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào hai ngày 28 và 29/6. Thí sinh đến trường làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Thí sinh dự thi năm nay sẽ bắt buộc thi 4 trong số 5 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (với các môn thành phần vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Để chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi. Phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên như năm 2021 và 2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại