Lừa đảo trực tuyến: thay đổi chiêu thức, “bẫy” người nhẹ dạ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh bưu phẩm, thư tri ân khách hàng, phiếu dự thưởng yêu cầu quét mã QR gắn đường link chiếm quyền sử dụng điện thoại của các nạn nhân. Ảnh: NVCC |
Muôn hình vạn trạng chiêu thức lừa đảo mới
Theo một đồng chí cảnh sát khu vực ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, mới đây, đồng chí tiếp nhận đơn trình báo của một người phụ nữ đang làm việc ở Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. Người phụ nữ này làm thủ tục định danh VNeID cấp 2 nhưng 1 tuần nay chưa được. Bỗng có người gọi xưng là CA điện thoại đến nói hướng dẫn kích hoạt qua điện thoại.
Người này hướng dẫn nạn nhân tải VNeID trên CH Play. Sau khi tải xong, người phụ nữ mở phần mềm làm theo hướng dẫn và bị chiếm quyền sử dụng điện thoại. Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản của người phụ nữ chuyển khoản 5 tỷ đồng đi đến tài khoản khác.
Nạn nhân cho biết, không hề chia sẻ OTP cho bất kỳ ai mà bị chiếm quyền sử dụng điện thoại. Một hình thức lừa đảo nữa đó là bạn nhận được một bưu phẩm. Bên trong là một thư tri ân khách hàng của một DN nào đó. Kèm theo thư tri ân là một phiếu dự thưởng yêu cầu quét mã QR kèm theo. Khi quét mã QR sẽ đưa bạn đến một đường link.
Nếu nhấp vào đường link đó lập tức điện thoại của bạn sẽ bị chiếm quyền điều khiển. Nếu trên điện thoại này có cài các ứng dụng Internet banking của bạn thì nguy cơ bị mất hết tiền trong tài khoản. Nếu không có các ứng dụng banking thì sẽ bị lộ các thông tin cá nhân trong điện thoại đó.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông), từ ngày 26/2 đến 3/3/2024, cả 5 hình thức lừa đảo trực tuyến nổi bật được Cục An toàn thông tin ghi nhận đều là những chiêu thức được các nhóm lừa đảo sử dụng nhiều, cơ quan chức năng cũng liên tục cảnh báo: một nhóm đối tượng lừa đảo bằng hình thức bán điện thoại di động iPhone chính hãng giá rẻ qua mạng xã hội đã bị CA tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.
Cụ thể, trên Facebook, các đối tượng đã quảng cáo bán iPhone chính hãng, mới nguyên seal (chưa bóc hộp) với giá dao động từ 6,99 đến 7,59 triệu đồng. Khi có người dùng để lại thông tin liên hệ mua hàng và lựa chọn loại máy để mua, các đối tượng dùng số điện thoại rác, Zalo không chính chủ với tên gọi “Ngọc SP”, “Phương SP”, “Hằng SP”… để liên hệ tư vấn bán hàng và cam kết với khách về chất lượng của điện thoại.
Sau khi có khách đồng ý mua hàng, các đối tượng gửi hàng cho khách qua dịch vụ giao hàng thu hộ và yêu cầu khách hàng phải thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng thì mới cho nhận hàng để kiểm tra. Thực tế, hàng người dân nhận được là điện thoại giả, có bề ngoài gần giống với iPhone chính hãng.
Đối tượng T.K.A (tỉnh Hậu Giang) vừa bị CA Quảng Bình khởi tố vì đã có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc tạo lập tài khoản Facebook ảo để lừa đảo bán vé máy bay. Đối tượng này lập Facebook tên “Ngọc Minh”, sau đó lần lượt đổi thành “Uyen Tran” và “Tran Nhu Hao” để đăng tải thông tin hiển thị như trang đại lý bán vé máy bay chuyên nghiệp.
Sau đó, đối tượng đăng bài lên các hội nhóm mua, bán vé máy bay để thu hút khách hàng. Khi có khách hàng tiếp cận mua vé máy bay và chốt đơn, đối tượng gửi số tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển tiền. Ngay khi nhận được tiền, đối tượng T.K.A lập tức chặn liên lạc với nạn nhân để chiếm đoạt tiền...
Ý thức cao trong việc phòng tránh lừa đảo
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Người dân chỉ nên thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng, mô tả chính xác; đồng thời cần tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm.
Để phòng tránh tình trạng trên tái diễn, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, trang bị cho bản thân những kiến thức để tự bảo vệ mình trên mạng xã hội. Ngoài việc không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị lộ lọt thông tin, người dân cũng cần lưu ý không thực hiện giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng dùng số điện thoại lạ gọi đến hay tiếp xúc qua hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội.
Ngoài ra, do các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào người cao tuổi, những người thân cần tuyên truyền để người cao tuổi trong gia đình có thể nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh lừa đảo. Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo CA, không nên tìm đến các trang mạng xã hội được giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa để không bị lừa tiếp.
Cùng với đó, lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính qua các ứng dụng không phải là hình thức mới nhưng đến nay vẫn có nhiều người dân bị “sập bẫy” của những chiêu trò ngày càng bài bản và tinh vi của các đối tượng. Thủ đoạn đối tượng sử dụng là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Tên miền mà những sàn này dùng thường chỉ tồn tại một thời gian, sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các tổ chức chuyển sang tên miền khác, tự đánh sập sàn cũ để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của cơ quan chức năng.
Các tổ chức lừa đảo thường dẫn dụ người chơi bằng cách thời gian đầu để người chơi sinh lời cao. Đối tượng còn tạo ra các hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư trên các mạng xã hội và mời các thành viên vào nhóm, với người chia sẻ tự xưng là chuyên gia, người đại diện DN với nhiều năm kinh nghiệm.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị, người dân chỉ tin tưởng, sử dụng các nền tảng và sàn giao dịch uy tín đã được Nhà nước xác thực, cấp phép; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư, đặc biệt là những lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường cùng với các khoản phí không rõ ràng...
Cục An toàn thông tin nhận định, hoạt động lừa đảo bằng hình thức dụ làm cộng tác viên online “việc nhẹ lương cao” đang bắt đầu rầm rộ trở lại. Nhấn mạnh, đây là hình thức lừa đảo đã liên tục được cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo, các chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo phổ biến này, tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu...
Gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ các câu chuyện bị lừa đảo hoặc lên các hội nhóm hỏi xác minh về lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. |
Triệt phá ổ nhóm lừa đảo trên không gian mạng với quy mô lớn | |
Cảnh báo về chiêu trò lừa đảo trên Facebook liên quan đến bình chọn | |
Người phụ nữ mất 1,4 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại