Liên tiếp phát hiện các vụ buôn lậu thuốc điều trị Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng chức năng phát hiện số thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ |
Chiều 24-2, Đội QLTT số 1 Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do bà Nguyễn Thị Hằng làm chủ tại địa chỉ 16/198, khu 10, phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Qua kiểm tra, khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở đang bày bán 40 hộp thuốc, thu giữ gần 1.000 viên thuốc nhãn hiệu "Lianhua Qingwen jiaonang" (Liên hoa thanh ôn) không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo lời khai của bà Hằng, đây là thuốc có tác dụng uống dự phòng và điều trị các triệu chứng của bệnh COVID-19 và được nghi nhập lậu từ Trung Quốc.
Ngay tại hiện trường, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính 3.000.000 đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Trước đó, tại phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), PC03 Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra đối với chị Đoàn Thị Hương Thơm (35 tuổi, trú phường Trần Nguyên Hãn) và phát hiện người này đang vận chuyển hàng hóa là thiết bị y tế, thuốc tân dược.
Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 740 kit test nhanh, 1.200 vỉ thuốc điều trị COVID-19, 1.700 que lấy dịch hầu. Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa khoảng 100 triệu đồng.
Cũng trong cùng ngày, tại khu vực đường Hùng Vương (phường Hòa Lạc, thành phố Móng Cái), lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện đối tượng khả nghi, đã yêu cầu dừng xe, kiểm tra ô tô mang biển kiểm soát 14D-011.00 do ông Vy Hoàng Sơn (SN 1986, trú tại phường Hòa Lạc, thành phố Móng Cái) điều khiển.
Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 2 thùng carton đựng 400 hộp thuốc viên nang, loại 12 viên/vỉ, 2 vỉ/hộp, cũng có nhãn hiệu "Lianhua Qingwen jiaonang", ghi bằng chữ Trung Quốc. Lô hàng cũng không có bất cứ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Tổ kiểm soát cơ động thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) đã tiến hành tạm giữ xe và toàn bộ số lượng hộp thuốc vận chuyển để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Lợi dụng tình trạng các ca bệnh Covid-19 ngày càng tăng ở các địa phương, cùng với tâm lý hoang mang của không ít người dân, các đối tượng đã tung ra thị trường các loại thuốc điều trị không rõ nguồn gốc. Đáng lưu ý là giá thành những loại thuốc này rất cao. Được quảng cáo như "thần dược" trị Covid-19 mà còn có khả năng cao chống tái nhiễm.
Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán, sử dụng các thuốc chưa được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. Trước đó, Bộ Y tế đã có một số văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, thông tin quảng cáo thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19, trong đó có thuốc Molnupiravir và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, tăng giá thuốc bất hợp lý.
Theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị phạt tiền từ 30 -40 triệu đồng. Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh chưa được phép lưu hành hoặc mới thử nghiệm, chưa được phép sản xuất, nhập khẩu có thể bị phạt tiền từ 60 t- 80 triệu đồng. Ngoài ra, trong trường hợp gây chết người hoặc tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc cũng có thể bị xử lý hình sự với hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại