Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐông đảo nhân dân TP Hồ Chí Minh tham dự lễ tưởng niệm |
Buổi lễ diễn ra tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.
Điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP Hồ Chí Minh, với khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì Covid-19.
Cùng với đó là một số điểm cầu truyền hình tại thành phố Thủ Đức, các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh...
Điểm cầu TP Hà Nội được tổ chức tại sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), với khoảng 300 đại biểu.
Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 và xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng.
Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng trong khó khăn hoạn nạn, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp. Hàng triệu “phần quà đại đoàn kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với Nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Lễ tưởng niệm. Ảnh: Quỳnh Trần |
Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân cả nước đã ủng hộ hàng chục ngàn tỷ đồng để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân. Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch để chăm sóc, chữa trị người bệnh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ. Có những người khi bố mẹ từ trần không thể về chịu tang. Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh.
Thân nhân của những đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19 thắp nến tại lễ tưởng niệm |
Trong đó, hàng trăm người đã qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí. Dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào. “Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối.
''Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong. Có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót'', Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xúc động.
Trong bối cảnh, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tha thiết kêu gọi người dân, cán bộ chiến sĩ, các lực lượng vũ trang đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơi là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng.
“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nguyện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 |
Phút tưởng niệm trang nghiêm
Sau bài phát biểu kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong tiếng nhạc hồn tử sĩ, các đại biểu dành một phút tưởng niệm đến những người đã khuất và thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm.
Trong không khí trang nghiêm, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cầm bó hoa trắng thắt nơ đen đặt lên bàn, thắp nhang thực hiện nghi thức tưởng niệm. Tiếp đó, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại phía Nam, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cùng tiến lên thực hiện nghi thức tưởng niệm.
Tại đầu cầu Hà Nội, sau một phút tưởng niệm, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, đã thắp hương, thực hiện nghi lễ tưởng niệm. Khu vực Hồ Gươm, lúc 20 giờ 30 đèn chiếu sáng Tháp Rùa được tắt; tiếp theo đó toàn bộ hệ thống chiếu sáng cầu Thê Húc và đèn trang trí quanh hồ đều tắt.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thắp hương, thực hiện nghi lễ tưởng niệm |
Trong tinh thần hiệp thông của lễ tưởng niệm, lúc 20g30, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh khuyến nghị tất cả chùa và cơ sở tự viện trên địa bàn dành một phút tưởng niệm với nghi thức thỉnh đại hồng chung, dừng mọi hoạt động để hưởng ứng.
Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh cũng thông báo các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút, để cầu nguyện và tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch.
Tại chùa Pháp Hoa (quận 3), không gian buổi lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 cũng được thắp sáng bởi hàng trăm hoa đăng quanh khuôn viên chùa, trong đó có 19 chiếc đặt dọc 2 bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đồng thời, lễ thả 3.000 hoa đăng cũng chính thức bắt đầu với sự tham dự của tất cả thân nhân người mất, phật tử và chức sắc các tôn giáo khác. Ngoài chùa Pháp Hoa, quận đoàn Bình Thạnh cũng có 350 chiếc hoa đăng thả xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và 200 hoa cúc trắng, 20 ngọn đuốc cho lễ tưởng niệm.
Trong khi đó, các quận 1, 3,4,5,8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình cũng tổ chức thực hiện thả đèn hoa đăng tại chùa Pháp Hoa (kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, quận 3) và Cầu Mống (kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, quận 4) trong không khí trang nghiêm.
Cùng thời điểm là các hoạt động: Rung chuông tại các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…); tàu, thuyền, sà lan… kéo hồi còi; người dân tắt đèn và thắp nến tưởng niệm tại nhà và không gian sinh hoạt chung…
Tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), sau hồi chuông khai lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ trì buổi lễ cùng hàng chục phật tử tụng kinh cầu siêu tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Các đại biểu thả hoa đăng tưởng niệm đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19 |
Nỗi đau cho người ở lại
Bà Phan Thị Hải Ninh (SN 1980, chuyên viên Ban Dân tộc TP Hồ Chí Minh), bộc bạch: “Gia đình tôi có 6 người là F0 trong cao điểm của cơn bão Covid-19, lúc đó cả nhà ai cũng lo lắng. Cả gia đình tôi may mắn vượt qua đại dịch, không ai tử vong. Hiện sức khỏe đã bình phục, điều này là nhờ có sự quan tâm, động viên của tất cả anh chị em trong gia đình, nhờ sự hỗ trợ của anh chị em đồng nghiệp, bà con khu phố. Tôi thực sự rất biết ơn và xin gửi lời chia sẻ, cảm thông tới những gia đình có người thân tử vong vì Covid-19. Cảm ơn những gia đình, những người mẹ, người vợ, người chồng…, đã đứng đằng sau những chiến sĩ, y bác sĩ, ủng hộ họ dấn thân đi vào tâm dịch để làm nhiệm vụ và nhiều người đã ra đi mãi mãi.
Việc TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, là điều rất trân quý. Lễ tưởng niệm sẽ làm vơi đi phần nào những nỗi đau, mất mát đối với người ở lại, là lúc để nhìn lại những đau thương của dịch bệnh. Cuộc sống vô thường, do đó hãy trân quý khi còn được ở bên cạnh người thân, bởi có thể một phút sau, giờ sau, ngày sau hay tuần sau... mình không may nếu mắc Covid-19”.
Những ngọn nến đã được thắp lên tưởng niệm đồng bào đã mất vì dịch Covid-19 |
Bà Nguyễn Thị Vễ (SN 1966, phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 đã cướp đi em trai tôi là Nguyễn Thành Vang (SN 1970, công tác tại Đội Quản lý thị trường quận Bình Tân) và cha tôi. Trước khi nhiễm Covid-19, hàng ngày em còn sang nhà uống cà phê với cha. Đầu tháng 8-2021, khi phát hiện nhiễm bệnh, em tôi được đưa đi cách ly tập trung để chữa trị. Khi không thấy con mình sang nhà như mỗi ngày, cha tôi hỏi nhưng tất cả anh chị em trong gia đình đều giấu.
Đến ngày 14-8, em tôi mất vì Covid-19, chúng tôi chỉ dám thì thầm với nhau. Hai ngày sau, khi biết được tin đau lòng, cha tôi bị sốc rồi lên cơn đau tim qua đời vào 3g sáng ngày 16-8. Sau khi cha tôi mất, tôi phát hiện mình cũng bị nhiễm Covid-19 nhưng không biết lây từ đâu. Hôm nay, TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ, tử vong, hy sinh trong đại dịch Covid-19 là việc làm có ý nghĩa, xoa dịu phần nào nỗi đau, mất mát…”.
Những phút giây lắng đọng khi xem lại những hình ảnh về đại dịch Covid-19 |
Các hoạt động chính trong lễ tưởng niệm: Thắp nến tưởng niệm ở Hội trường Thống Nhất và công viên Thống Nhất Thả đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trước chùa Pháp Hoa, quận 3) và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (gần cầu Mống, quận 4) Rung chuông tại các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) Tàu, thuyền, sà lan… kéo hồi còi Người dân tắt đèn và thắp nến tưởng niệm tại nhà và không gian sinh hoạt chung |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại