Chủ nhật 19/05/2024 09:36

Lão tỷ phú gần 30 năm “tha” gạch, đá xây nhà lầu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hộ 'Khùng' có hàng tỷ đồng nhưng chẳng hưởng, gần 30 năm qua, ông rong ruổi khắp nơi để nhặt từng cục đá, cục gạch mang về rồi mua xi măng tự tay xây ngôi nhà 2 tầng, ngay trung tâm thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Ông là Huỳnh Hộ, 80 tuổi, khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.




30 năm “tha” gạch, đá xây nhà lầu!


Người dân nơi đây vẫn thường gọi chủ nhân ngôi nhà là ông Hai Hộ. Ngôi nhà ông Hộ nằm ngay trung tâm thị trấn Nam Phước. Thấy tôi cứ ngắm nghía ngôi nhà với vẻ thích thú, chị H., người bán cà-phê cạnh đấy kể: “Khi em còn nhỏ đã thấy ông Hai Hộ xây ngôi nhà đó rồi, nhưng đến giờ ổng vẫn chưa xây xong. Mà đến tuổi này rồi sức đâu còn mà xây được nữa. Công nhận ổng (ông ấy) giỏi thật. Cứ nhặt từng hòn đá, viên gạch, cát sỏi ngoài đường về rồi tự xây dựng”.


Cứ thế, gần 30 năm qua, ông Hộ “tha” gạch, đá, cát về dùng tay không xây dựng nên ngôi nhà có kiến trúc mà mọi người cho là độc đáo. Người dân thị trấn Nam Phước rất quen thuộc với công việc hằng ngày của ông Hộ. Cứ sáng ra, họ thấy ông kéo xe bò ra đứng bên ngã ba. Ai thuê kéo gì thì kéo. Trong lúc kéo xe, ông thấy trên đường có viên gạch, hòn đá lớn nào đều nhặt lấy bỏ lên xe. Đến chiều lại kéo về. Ông Hộ còn có những sở thích rất lạ.



Ông Hộ lật lại nhật ký ghi chép những ngày đi nhặt gạch, đá khắp nơi về xây nhà của mình.


Ông B., người chạy xe ôm gần đó cho biết: “Trên đời này tôi chưa từng thấy ai như ổng. Con cái đều thành đạt. Nhà đất của ổng trị giá vài tỷ đồng, nhưng ổng lại không muốn hưởng mà muốn làm người 'khổ sai'. Mỗi khi kéo xe đi trên đường, nếu ai vừa thoa bình dầu gió hết vứt xuống đường, ông cũng đến nhặt rồi mở nắp ra hít, xong bỏ vào túi cất. Những việc gàn đó nếu ai lần đầu nhìn thấy, họ đều cho là ổng khùng. Nhưng người dân ở đây, từ trước đến nay, từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa một ai nói ổng khùng”.


Hôm chúng tôi đến, may mắn ông Hộ ở nhà. Trong căn nhà ẩm thấp, rác vương vãi khắp nơi. Ngôi nhà được chia làm hai ngăn, một bên ông cho hàng xóm chứa đồ tạp hóa, bên còn lại ông kê chiếc giường ngủ và để cái bàn. Còn ngôi nhà do tự tay ông xây thì nằm phía sau ngôi nhà chính. Nhà cao hai tầng, thiết kế theo kiểu nhà hộp. Dự định của ông khi xây xong ngôi nhà này sẽ đập bỏ ngôi nhà phía trước. Tuy nhiên hàng chục năm qua ông vẫn chưa xây xong khiến nó trở thành ngôi nhà “độc”. Và hiện tại, nó đang là địa điểm mà nhiều người khi đi qua phải ngước nhìn.


Không thích sống giàu sang


Ngồi trên giường với vô thứ ngổn ngang, ông Hộ đang cặm cụi chơi trò Sudoku trên báo. Biết có người lạ vào nhà, nhưng ông vẫn không ngẩng lên. Tôi hỏi: "Ông đang làm gì", ông nói: "Đang chơi Sudoku". Tôi lại hỏi: "Báo ở đâu có mà bác chơi vậy?", ông trả lời: "Tui với chị Tư hàng xóm ngày nào cũng chung mỗi người hai nghìn để mua rồi cùng đọc chung". "Thế có khi nào bác giải ra ô chữ chưa mà tìm say sưa vậy?", tôi hỏi tiếp. "Nhiều rồi chứ", ông lại trả lời!. "Thế họ có gửi quà về cho bác lần nào chưa?", ông cười mà rằng: "Chơi cho vui thôi, quà cáp làm gì".



Ngôi nhà 2 tầng ở giữa được ông Hộ xây dở dang.


Hỏi chuyện một lúc, tôi cũng biết được nguyên thủy ngôi nhà này do cha mẹ ông xây dựng từ năm 1964. Qua năm tháng, ngồi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Vợ con ông nhiều lần bảo ông đập bỏ để xây mới, song ông nhất quyết: "Để đó tau xây cho". Khi xây, ông không đập bỏ gian nhà cũ ngay mà tiến hành xây phía sau ngôi nhà. Nhà cũ ông vẫn để ở.

Suốt những năm 1980, hằng ngày ông vừa kéo xe bò, vừa đi nhặt đá, gạch. Cát thì ông đến các sông, suối để lấy. Xi măng mua được từ tiền kéo xe thuê. Mỗi ngày như vậy ông xây một ít. Điều đặc biệt là ông không sử dụng bất kỳ công cụ nào mà tự dùng tay để trát vữa. Thấy cha mình gàn như vậy, 3 người con trai của ông không ai chịu giúp sức cả với hy vọng ông mệt mỏi sẽ tự bỏ cuộc. Tuy nhiên họ đã lầm, hàng chục năm qua ông Hộ vẫn miệt mài, cần mẫn tha nguyên vật liệu về xây “tổ”...


Rót nước mời khách xong, ông Hộ kể: “Ở đời cái gì mà do chính tay ta làm ra thì ý nghĩa lắm các cháu ơi! Với suy nghĩ tôi muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa hay là chút kỷ niệm để lưu giữ lại cho con cháu của mình mai sau. Vì vậy, tôi quyết định bỏ công sức ra đi hết chỗ này tới chỗ khắc để nhặt lượm những viên đá, cục gạch bể, cục gạch lành lặn, cứ thế mang về kiểu 'kiến tha lâu đầy tổ' vậy! Lúc đầu, thấy tôi lượm toàn thứ người ta bỏ đi để đem về chất đầy nhà, con cái tôi bảo ông già bị 'hâm', hàng xóm cũng cho rằng tôi 'điên', nhưng tôi quyết làm cho bằng được phương châm sống của mình, dù cuộc sống của tôi không thiếu thốn”.


Thấy tôi đang chụp hình ngôi nhà, anh Lễ (hàng xóm) đến bắt chuyện: “Nói về ngôi nhà thì chẳng có giá trị gì, chủ yếu mảnh đất thôi. Có lúc đất lên giá, nhiều người hỏi mua mảnh đất đó 5 tỷ đồng nhưng ông không bán. Hiện tại đất đã xuống rồi, nhưng mảnh đất của ông giờ giá cũng không dưới 4 tỷ đồng”.



Chiếc xe cải tiến cùng ông rong ruổi khắp nơi.


Phía trước ngôi nhà, đập vào mắt tôi đó là chiếc xe bò cũ nát, thân xe được chắp nối với vô số tấm ván vụn, cần xe đã gãy, buộc bằng dây thép. Anh Lễ cho biết: “Chiếc xe bò trên đã gắn bó với ông Hộ gần 30 năm nay. Lúc trước để bảo quản xe, ông lấy vải bọc hai lốp xe lại cho bánh xe khỏi... mòn. Khi những lớp vải mòn, ông tiếp tục thay bằng những lớp vải khác chứ nhất định không để cho lốp xe trực tiếp chạm vào đất. Ngoài gạch, đá ông nhặt được, các vật liệu khác như ván, sắt ông dùng để làm nhà cũng được ông sưu tầm ở khắp các công trình về. Duy nhất có vật liệu ông không tận dụng được và phải bỏ tiền túi ra để mua đó là xi măng”.


Nhiều người biết đều nói rằng ông là người keo kiệt nhất thế gian, nhưng ông lại suy nghĩ khác. Hàng chục năm qua ông tự một mình chăm sóc cho bản thân. Đối với ông chuyện ăn uống không quan trọng. Vì theo ông: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Do vậy sáng ra, ông nấu một lon gạo ăn cho 2 bữa. Thức ăn hầu hết là mắm, muối. Còn buổi tối ông ăn hủ tiếu. Hủ tiếu ông cũng chẳng bỏ tiền túi ra để ăn. Do trước nhà là mặt tiền, mỗi đêm có người bán hủ tiếu trước nhà nên coi như họ "nộp phí mặt bằng" cho ông.


“Kiến trúc sư” độc nhất vô nhị!


Cả buổi nói chuyện, ông Hộ lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại câu châm ngôn “kiến tha lâu đầy tổ”. Ông bảo: “Tôi mong ước, là mình sẽ thực hiện được tâm nguyện xây ngôi nhà này bằng thứ người ta 'bỏ đi', nó sẽ ý nghĩa biết bao, gần 30 năm chứ chẳng ít. Gần 30 năm, non nửa đời người đi lượm nhặt những giá trị dù nhỏ nhất của cuộc sống.

Có những lúc, các cháu của tôi đến thăm, các cháu ngắm nghía căn nhà kỹ lắm! Tôi hỏi các cháu ngắm gì mà kỹ vậy, các cháu trả lời: 'Thấy ngôi nhà do ông xây có hình thù kỳ lạ quá, không giống như ngôi mà ba mẹ con thuê thợ xây'. Tôi nói với các cháu mình rằng, đây là ngôi nhà độc nhất vô nhị mà kiến trúc sư ông của các cháu phải mất mấy mấy chục năm rong ruổi khắp nơi mới xây được đó! Tụi nhỏ chỉ biết nhìn tôi cười thôi!”.




“Dù nhà không có tivi, nhưng trong mùa bóng đá Euro vừa qua, ông không bỏ sót trận nào. Mỗi đêm ông đến quán cà-phê bên cạnh xem. Nhưng ông không vào quán, vì vào quán phải gọi đồ uống sẽ tốn tiền, vậy là ông đứng bên ngoài nhìn vào. Thế nhưng tên các đội bóng, các cầu thủ ngoại, ông đều nhớ và đọc vanh vách”, anh Lễ cho biết thêm.


Nói về ông Huỳnh Hộ, anh Trần Thế Tuyển, Tổ trưởng tổ đoàn kết dân phố cho biết: “Tôi đã sống ở đây với ổng hàng chục năm qua, nhưng việc làm của ổng tôi không hiểu nổi. Có thể nói ổng là người có một không hai trên đời này. Nhiều lần tôi đã khuyên ổng từ bỏ việc xây nhà, nhưng ổng không nghe, cứ làm theo ý mình. Con người của ổng là vậy, nhưng người dân ở đây không ai bảo ổng khùng cả. Và trong cuộc sống, ổng cũng chẳng làm phiền, ảnh hưởng đến ai”.


Trước khi chia tay, ông Hộ chia sẻ thêm: “Cuộc đời tôi nó gồ ghề như những mảng tường, gồ ghề như những viên đá bể, viên gạch bể nằm vương vãi ngoài đường được tôi đem về xây nhà có chỗ lồi chỗ lõm không theo một thiết kế, một bản vẽ xây dựng nào hết. Có lẽ nó sẽ tồn tại với thời gian, khi tôi còn sống vậy chăng”.

Theo Bóng đá & Cuộc sống

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động