Làm lây lan dịch Covid-19: Có xử lý hình sự hành vi xảy ra trước Công văn 45 của TAND TC?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThời gian qua, tại nhiều tỉnh, TP đã xảy ra rất một số trường hợp trốn cách ly, chống đối cách ly, khai báo y tế gian dối, không tuân thủ về cách ly nhưng chưa bị xử lý. Điều này khiến cho dư luận hết sức phẫn nộ và vô tình khiến cho nhiều trường hợp thuộc diện bị cách ly hoặc buộc phải khai báo y tế coi thường và thực thiện hành vi trái pháp luật như trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không khai báo y tế, từ chối, trốn tránh việc cách ly.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Quang Xá, (Cty Luật XTVN, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, thực tế từ trước đến nay, chưa có bất cứ vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, Điều 240 Bộ luật Hình sự chỉ quy định về hậu quả của hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người mà chưa làm rõ các hành vi khách quan cụ thể như thế nào để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự hay không? Chính vì thế, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thể đưa ra quyết định về việc có khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015.
Luật sư Phạm Quang Xá: "Có thể bị xử lý hình sự kể cả các hành vi trước khi có công văn của TAND Tối cao" |
Bởi vậy, mới đây Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015.
Theo công văn, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Các hành vi gồm trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Chiếu theo hướng dẫn trên, hiện có 4 ca nhiễm gồm 17, 34, 100 và 178 có dấu hiệu về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khi có hành vi không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Xem xét hướng dẫn số 45/TANDTC-PC, luật sư Phạm Quang Xá nhận định, các trường hợp về cách ly phòng dịch Covid-19 nếu vi phạm pháp luật hình sự làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị xử lý hình sự kể cả các hành vi trước khi có công văn của TAND Tối cao và về chuyên môn pháp lý áp dụng được xác định theo công văn này.
Với quy định cụ thể các hành vi khách quan và những trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Công văn số 45/TANDTC-PC đã làm rõ được các yếu tố cấu thành của Điều 240 BLHS. Đây chính là cơ sở pháp lý rất vững chắc để có thể xử lý hình sự người vi phạm và đủ sức răn đe, phòng chống dịch Covid-19.
“Đương nhiên, với nhiều người thuộc diện phải cách ly, buộc phải khai báo y tế sẽ không dám vi phạm, nếu cố tình vi phạm chắc chắn rằng sẽ phải đối diện với việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 BLHS với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù. Với quy định này, chúng ta tin chắc rằng đây chính là biện pháp mạnh tay nhất mà chúng ta thực hiện để đối phó với dịch bệnh Covid-19”, Luật sư Phạm Quang Xá khẳng định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại