“Làm giàu” vốn kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Thành Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Ba Vì |
Công tác hòa giải cơ sở đi vào nền nếp
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn TP đã đi vào nền nếp, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được khẳng định và được Nhân dân ghi nhận.
Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP xây dựng ban hành kế hoạch hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Chủ động tổ chức kiểm tra công tác MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở tại một số đơn vị trên địa bàn. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư.
Toàn TP hiện có 4.925 tổ hòa giải với tổng số 32.234 hòa giải viên. Hàng năm, 80% số lượng hòa giải viên ở cơ sở được các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.
Nhằm thể hiện sự quan tâm của chính quyền TP trong công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, từ năm 2013, Báo Pháp luật và Xã hội, thuộc Sở Tư pháp TP Hà Nội, đã thực hiện việc cấp phát báo đến các tổ hòa giải cho 15 huyện (từ năm 2013 đến năm 2019) với khoảng 2.500 tổ, số lượng 3.649.418 tờ.
Tháng 1/2020, thực hiện Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23/7/2019 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Hà Nội, trong đó có mục tiêu “100% tổ hòa giải trên địa bàn TP được cấp phát miễn phí Báo Pháp luật và Xã hội" trong giai đoạn thực hiện Đề án.
Triển khai thực hiện Đề án, Sở Tư pháp TP Hà Nội chỉ đạo Báo Pháp luật và Xã hội (nay là Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội – Báo Kinh tế và Đô thị) thực hiện cấp phát báo miễn phí đến 100% tổ hòa giải ở Hà Nội. Năm 2020, tòa soạn đã phát 994.835 tờ báo Pháp luật và Xã hội cho 5.208 tổ hòa giải. 6 tháng đầu năm 2022, đã cấp phát gần 500.000 tờ cho 4.957 tổ hòa giải.
Ông Nguyễn Đức Chiến, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch, xã Song Phương, huyện Hoài Đức |
Thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên
Năm 2022, cũng là năm kết thúc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”, nhiều đơn vị trên địa bàn TP đã đã có báo cáo tổng kết thực hiện Đề án và đạt hiệu quả đáng ghi nhận.
Trong đó, quận Cầu Giấy đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong quá trình thực hiện Đề án, 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện trên địa bàn quận có 216 tổ hòa giải với 1.048 hòa giải viên.
Đội ngũ hòa giải viên của quận đều là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở và đều được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải do Bộ Tư pháp ban hành.
UBND các phường triển khai xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với các tiêu chí: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt; đạt tỷ lệ hòa giải thành 91,74% trở lên. Đến nay, 100% tổ hòa giải đạt tiêu chuẩn “Tổ hòa giải 5 tốt”. Các tổ hòa giải đã chủ động, kịp thời nắm bắt và hòa giải những mâu thuẫn phát sinh, những vấn đề dân sinh bức xúc trong dân cư.
Tại Hội nghị tổng kết Đề án của quận, đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam quận Cầu Giấy ghi nhận, biểu dương những thành tích mà các tập thể, cá nhân đã được trong các hoạt động hòa giải cơ sở giai đoạn 2019-2022.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hòa giải viên ở cơ sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này. Đồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở về cả kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng nhiều và phức tạp do sự phát triển KT-XH, sự hội nhập giao lưu quốc tế hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, để thực hiện có hiệu quả Đề án, UBND huyện Ba Vì đã tích cực, chủ động ban hành văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn rà soát và kiện toàn đội ngũ hòa giải tại cơ sở. Hàng năm, do sự thay đổi về nhân sự, UBND các xã, thị trấn thường xuyên rà soát và ban hành quyết định kiện toàn đội ngũ hòa giải viên.
Tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn huyện Ba Vì có 208 tổ hòa giải với 1.583 hòa giải viên gồm đủ các thành viên của Ban Mặt trận Tổ quốc thôn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, người có uy tín, cơ bản các hòa giải viên đều là người có trình độ chuyên môn, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm hòa giải vụ việc.
100% các tổ hòa giải được kiện toàn, bổ sung đủ số lượng thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; 100% hòa giải viên ở cơ sở được tham gia tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp; 100% tổ trưởng tổ hòa giải trên địa bàn được phát miễn phí Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội; 31/208 tổ hòa giải trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn “Tổ hòa giải 5 tốt”.
Ông Nguyễn Đình Cương, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức |
“Trên cơ sở những kết quả đạt được, hòa giải viên đã cơ bản tiếp cận, nắm bắt quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải cơ sở; vận dụng lý thuyết dân vận trong công tác hòa giải ở cơ sở hướng tới hướng dẫn, vận động các bên tự thỏa thuận, dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp; nâng cao nhận thức của người làm công tác hòa giải về ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở trong giải quyết khó khăn, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống”, ông Nguyễn Thành Sơn cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đức Chiến, cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho hay, những năm qua, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn xã Song Phương đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ vững ANTT trên địa bàn. Nhận thức được đúng tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở, UBND xã đã quan tâm, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn xã, phù hợp với tình hình trên từng địa bàn khu dân cư.
“Hiện nay, trên địa bàn xã có 08 tổ hòa giải, 52 hòa giải viên. Trong năm 2022 các tổ hòa giải cơ sở cùng với UBND xã Song Phương đã phối hợp tổ chức hòa giải 25 vụ việc, trong đó 21 vụ việc về đất đai; 03 vụ việc hôn nhân gia đình, 01 vụ việc liên quan đến tranh chấp khác. Kết quả: Hòa giải thành 21/25 vụ đạt tỷ lệ 84%; Hòa giải không thành: 03 vụ việc chiếm 12%, hướng dẫn và chuyển Tòa án giải quyết theo thẩm quyền; 01 vụ việc liên quan đến tranh chấp hợp đồng thuê kiot, UBND xã và tổ hòa giải Thôn 6 đang tiến hành vận động, thuyết phục.
Để ghi nhận và động viên những nỗ lực của các tổ hòa giải cơ sở, các hòa giải viên, năm 2022, Chủ tịch UBND xã đã có quyết định khen thưởng, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” đối với 4 tổ hòa giải và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải năm 2022”, ông Nguyễn Đức Chiến chia sẻ.
Duy trì việc cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật và Xã hội
Là một người có thâm niên hơn 20 năm làm công tác hòa giải cơ sở, ông Nguyễn Đình Cương, SN 1953, Trưởng thôn 1, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Tổ hòa giải thôn 1 luôn được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện tổ hòa giải của chúng tôi có 8 thành viên bao gồm cả tổ trưởng.
Bà Nguyễn Thị Phương, tổ viên tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông luôn cập nhật những văn bản pháp luật mới qua Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội |
Các hòa giải viên của tổ là những chi hội, trưởng các ban ngành, đoàn thể của thôn gồm: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… đều được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Nhờ vậy, tổ hòa giải thôn 1 đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc, mang lại bình yên cho thôn xóm, gắn kết tình cảm trong Nhân dân”.
Chia sẻ về kinh nghiệm hòa giải, ông Cương cho biết, khi nắm được thông tin vụ việc mâu thuẫn trên địa bàn thôn, ông sẽ là người trực tiếp trao đổi với hai bên để họ thấu hiểu và thống nhất ngày, giờ, địa điểm tiến hành hòa giải. Sau đó, ông sẽ thông báo cho các hòa giải viên cùng có mặt. Khi đã đông đủ các thành phần tham dự buổi hòa giải, ông Cương sẽ giới thiệu các thành phần, đồng thời trình bày nội dung của việc mâu thuẫn giữa hai bên để mọi người nắm được, rồi cùng nhau phân tích, chia sẻ một cách hài hòa, công tâm nhất để hai bên hiểu ra vấn đề…
Có những vụ việc phức tạp thì ông Cương sẽ mời thêm 2 người cao tuổi trong thôn, có uy tín trong cộng đồng dân cư, để có tiếng nói mới. Cố gắng vận dụng những kiến thức pháp luật, sự nhẹ nhàng, khéo léo trong lời ăn tiếng nói để từ mâu thuẫn nhỏ thành không có, từ mâu thuẫn lớn lại thành nhỏ, để hai bên xích lại gần nhau, sự việc được hóa giải.
Bà Nguyễn Thị Phương, tổ viên tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, công tác hòa giải cơ sở không phải dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Trong quá trình hòa giải, tùy vào vụ việc cụ thể, hòa giải viên phải nắm được nội dung việc mâu thuẫn; nắm được tâm tư, tính cách của các bên để tìm ra cách hòa giải.
Đặc biệt, hòa giải viên cần phải có khả năng thuyết phục, có uy tín với người dân, có kiến thức pháp luật và phải dựa vào pháp luật. Dùng những lời nói nhẹ nhàng để phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh - lý tình trọn vẹn” nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận cùng hài hòa thống nhất vui vẻ và xóa tan mâu thuẫn, tranh chấp.
“Tổ hòa giải của chúng tôi đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc phức tạp, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Hàng năm, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND quận Hà Đông và UBND phường Hà Cầu, tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần; hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở… Thời gian tới, chúng tôi mong các ban ngành quan tâm hơn nữa để hoạt động hòa giải cơ sở ngày càng được nâng cao. Cần duy trì việc cấp phát miễn phí Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội đến các tổ hòa giải, cung cấp thêm kiến thức về pháp luật cho các hòa giải viên…”. - bà Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Cương, SN 1953, Trưởng thôn 1, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi rất phấn khởi khi được phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật & Xã hội đều đặn. Việc phát ấn phẩm Pháp luật & Xã hội đến các tổ hòa giải là một hoạt động thiết thực, giúp các hòa giải viên tiếp cận thông tin chính thống của Nhà nước, nắm bắt chủ trương của Đảng. Ấn phẩm với những thông tin hữu ích, thực tế là những bài học kinh nghiệm cho hòa giải viên để tích lũy vốn kiến thức pháp luật, kinh nghiệm hòa giải”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại