Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh Hội nghị |
Thực hiện Kế hoạch 321/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND TP Hà Nội về PBGDPL, hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP năm 2022; Kế hoạch 241/KH-UBND ngày 15/12/2020 củ UBND TP về thực hiện kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn TP, Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng PHPBGDPL TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác PBGDPL TP và quận, huyện, thị xã.
Tại Hội nghị, các đại biểu được giảng viên Vũ Hoài Phương – Khoa Tuyên truyền – Học viện Báo chí & Tuyên truyền là báo cáo viên truyền đạt những kỹ năng tuyên truyền miệng về pháp luật. Trong đó, việc gây thiện cảm ban đầu cho người nghe rất quan trọng, thể hiện ở nhân thân, tâm thế và biểu hiện của người nói khi bước lên bục tuyên truyền. Danh tiếng, phẩm chất đạo đức, học hàm, học vị, chức vụ của người nói là nguồn thiện cảm ban đầu cho người nghe; kích thích người nghe háo hức chờ đón buổi tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu tạo ra sự hứng thú, say mê của người nghe, củng cố được niềm tin về vấn đề đang tuyên truyền…
Giảng viên Vũ Hoài Phương – Khoa Tuyên truyền – Học viện Báo chí & Tuyên truyền là báo cáo viên truyền đạt những kỹ năng tuyên truyền miệng về pháp luật. |
Tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng trong khi nói: Giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ và giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc nhưng truyền cảm… Động tác, cử chỉ cần phải phù hợp với nội dung và giọng nói để nâng cao hiệu quả tuyên truyền của lời nói. Sắc thái có tác dụng truyền cảm rất lớn. Vẻ mặt của người nói cần thay đổi theo diễn biến của nội dung. Khi nói, cần chú ý nhìn vào một nhóm người ngồi dưới, thỉnh thoảng người nói cần thay đổi vị trí nhìn để tạo sự chú ý của cử tọa…
Cùng với đó, phải bảo đảm các nguyên tắc sư phạm trong tuyên truyền miệng: Người nói cần tôn trọng các nguyên tắc sư phạm. Từ bố cục bài nói, diễn đạt các đoạn văn, liên kết giữa các đoạn văn đến cách nói đều phải rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Người nghe cần được dẫn dắt từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa hoặc từ xa đến gần và tuỳ từng vấn đề mà dùng lý luận soi sáng cho thực tiễn hoặc từ thực tiễn mà đi sâu vào lý luận… Tuyên truyền miệng về pháp luật chủ yếu dùng phương pháp thuyết phục với ba bộ phận cấu thành là chứng minh, giải thích và phân tích.
Tại Hội nghị, báo cáo viên cũng đã hướng dẫn các bước tiến hành một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật. Trong đó, bước chuẩn bị gồm 5 nội dung chính: Nắm vững đối tượng truyên truyền; Nắm vững vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh; Nắm vững nội dung văn bản; Sưu tầm tài liệu dẫn chứng, minh họa; Chuẩn bị đề cương. Để tiến hành một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật thường có vào đề, nội dung và kết luận.
Hiệu quả của tuyên truyền miệng về pháp luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao, người tuyên truyền cần phải dày công tích luỹ, chuẩn bị đề cương, phải có nghệ thuật vượt qua hàng rào ngăn cách ban đầu về mặt tâm lý, gây thiện cảm, gây sự chú ý của người nghe từ khi bắt đầu buổi nói chuyện; phải biết tạo ra nhu cầu, kích thích, hấp dẫn, gây ấn tượng cho người nghe trong suốt buổi nói; biết kết luận đúng cách để khi kết thúc còn đọng lại những điều cần thiết cho người nghe tiếp tục suy nghĩ.
Hội nghị đã góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền miệng pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL TP và quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại