Thứ hai 06/05/2024 07:58
Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023)

Ký ức hào hùng về ngày toàn thắng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đúng 10h45 ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập - thành lũy cuối cùng chế độ ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu mốc son chói lọi về ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trải qua 48 năm lịch sử nhưng ký ức hào hùng vẫn khắc ghi trong tâm trí của người lính giải phóng quân Ngô Sỹ Nguyên, nguyên Trung sĩ, pháo thủ số 1 xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2.
Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên ngồi trên tháp pháo trong thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975. Ảnh NVCC
Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên ngồi trên tháp pháo trong thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975. Ảnh NVCC

Tình nguyện viết đơn nhập ngũ

Những ngày tháng 4 lịch sử, người lính Ngô Sỹ Nguyên (SN 1952, trú tại thôn Chùa Nhĩ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại bận rộn hơn thường ngày bởi các buổi gặp mặt, giao lưu cùng các đơn vị, trường học, đặc biệt cuộc hội ngộ của những người lính giải phóng quân. Câu chuyện thời chiến, câu chuyện về kíp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập được nhắc lại như một “tư liệu sống động” về một thời hoa lửa.

Ông Ngô Sỹ Nguyên kể, năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất cùng với tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Thế nhưng chàng trai xứ Nghệ bị loại khỏi danh sách vì cân nặng ngày đó chỉ 40 kg. Nhờ lòng quyết tâm được đóng góp công sức vào công cuộc giải phóng đất nước, nguyện vọng sau đó của ông Nguyên được chấp thuận.

Vốn có sở trường bắn súng nên sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, ông Nguyên được chọn vào lính tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, ông Nguyên được giao nhiệm vụ pháo thủ số 1 cùng đồng đội là lái xe Nguyễn Văn Tập trên chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2.

Ký ức hào hùng về ngày toàn thắng
Ông Ngô Sỹ Nguyên kể về thời khắc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào hồi 10h45 ngày 30/4/1975. Ảnh NVCC

Chiếc xe tăng 390 cũng gắn bó với ông Nguyên trong suốt năm tháng binh nghiệp. Kíp xe tăng 390 từng tham gia nhiều trận đánh trong Chiến dịch mùa khô năm 1975 ở A Sầu (huyện A Lưới) hay căn cứ Nước Trong góp phần giải phóng hoàn toàn Xuân Lộc – “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn - Gia Định. Và kíp xe tăng 390 gồm 4 người là: Trung úy Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, trưởng xe; trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ số 1; thiếu úy Lê Văn Phượng, Đại đội phó, pháo thủ số 2 và trung sĩ Nguyễn Văn Tập, lái xe. (Bây giờ, kíp xe tăng 390 chỉ còn 3 người, đồng chí Lê Văn Phượng đã mất) cũng gắn bó như máu thịt, sẵn sàng xông pha nơi hiểm nguy để góp phần cho công cuộc giải phóng đất nước.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kíp xe tăng 390 đã bắn cháy 5 xe tăng địch và mở hướng tiến công cho đại quân tiến vào Dinh Độc Lập - trụ sở cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn. Đến nay, mỗi khi nhắc đến cuộc chiến đấu của người lính giải phóng quân, ông Nguyên không nghĩ rằng những người lính đã vượt qua được nhiều khó khăn.

Nếu cú tăng ga của lái xe Nguyễn Văn Tập húc tung cánh cửa sắt trở thành huyền thoại thì thời khắc Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên quay mũi súng bắn tiêu diệt 2 xe tăng địch M8 và M113 trên đường vào Dinh Độc Lập là dấu ấn không phai mờ. Bởi, nếu chỉ chậm trễ nửa giây thì xe tăng 390 bị nòng súng địch bắn cháy.

Chiến dịch tiến công và nổi dậy năm 1975, có những đêm tối, kíp xe tăng không được bật đèn vì nếu không nguy cơ máy bay địch oanh tạc rất cao. Rồi trận chiến oanh liệt vượt cầu Sài Gòn, khi địch ngoan cố dùng lực lượng máy bay A37 dội bom xuống cầu, nhằm ngăn chặn lực lượng của ta thì những khẩu súng máy cao xạ trên các xe tăng của ta đồng loạt nhả đạn, buộc máy bay địch vọt lên cao thả bom nhưng không trúng cầu.

Kíp xe tăng 390 đã vượt qua nhiều chướng ngại vật, chi viện cho xe tăng 843 của kíp trưởng xe Bùi Quang Thận, Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn tăng 2, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) tiến thẳng đến cổng Dinh.

Ký ức hào hùng về ngày toàn thắng
Ông Ngô Sỹ Nguyên chụp kỷ niệm với những người lính giải phóng quân. Ảnh NVCC

Thời khắc lịch sử

Trong ký ức vẹn nguyên của người lính giải phóng quân, thời khắc chiếc xe tăng 390 húc tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập là hình ảnh đáng nhớ nhất. Ông Nguyên hồi tưởng: “Khi xe tăng 390 chuẩn bị đến gần cổng Dinh, trên tháp pháo, tôi thấy có người đến sát cửa làm động tác gì đó. Tôi định chĩa súng tiêu diệt. Sau đấy, nghĩ thế nào lại thôi vì lệnh của trên không được nổ súng. Sau đó, xe tăng chúng tôi tông vào cổng sắt, tiến sát tầng 1. Lúc xuống xe, có thanh niên tiến sát đến và bảo với tôi là nếu họ không tắt cầu dao điện hàng rào điện tử thì xe tăng của anh cháy rồi. Tôi lúc đó cầm khẩu AK làm nhiệm vụ, vừa xuống xe xong và nói lời cảm ơn.

Sau bước chân “thần tốc” của đồng chí Bùi Quang Thận cầm lá cờ giải phóng chạy vào trong Dinh Độc Lập, xe tăng 390 chạy chậm lại và yểm trợ đồng chí Thận. Đồng chí Vũ Đăng Toàn, trưởng xe 390 cầm theo khẩu AK nhảy xuống xe và dồn tất cả nội các của Dương Văn Minh vào trong phòng lớn. Tôi là người lính thứ ba bước vào sảnh tầng 1 tòa nhà Dinh và được Chính trị viên Vũ Đăng Toàn giao nhiệm vụ canh gác ngoài cửa, đợi cấp trên đến làm việc.

Ông Ngô Sỹ Nguyên chụp kỷ niệm với các cháu học sinh trong buổi nói chuyện về ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Ảnh NVCC
Ông Ngô Sỹ Nguyên chụp kỷ niệm với các cháu học sinh trong buổi nói chuyện về ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Ảnh NVCC

Có một câu chuyện ít người biết đến là khi đứng gác ngoài cửa, đồng chí Bùi Quang Thận - người đầu tiên cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đã chạy xuống tầng 1 và hỏi ông Nguyên là lúc xe tăng húc đổ cổng Dinh là mấy giờ. Tôi có nói là 10h45 vì lúc đó tôi là người lính duy nhất đeo đồng hồ. Tôi hỏi anh Thận đã ghi tên và đơn vị vào lá cờ giải phóng chưa? Sau đó, ông Thận chạy lên tầng lần thứ 2 để ghi thời khắc xe tăng húc đổ cổng dinh và ký tên “Thận” cùng đơn vị vào lá cờ.

Hình ảnh quân Giải phóng áp giải Dương Văn Minh đưa ra Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, lúc này cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút toàn thắng của dân tộc. Trong giờ phút lịch sử với tiếng súng vang rền trời chào mừng giải phóng toàn dân tộc, những người lính giải phóng quân ôm nhau khóc và hô vang: “Hòa bình rồi, giải phóng đất nước rồi, các đồng chí và các bạn ơi. Tất cả đều vỡ òa niềm vui trong nước mắt”.

Trong nhiều bức ảnh tư liệu của nhà báo trong nước và quốc tế, chân dung người lính Ngô Sỹ Nguyên ngồi trên tháp pháo với gương mặt trẻ trung của tuổi 24 vẫn còn đen nhẻm vì thuốc súng, với ông Nguyên đó vẫn là thời khắc vinh dự và tự hào khi chứng kiến sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sau chiến thắng 30/4/1975, kíp xe tăng 390 tiếp tục chi viện cho các mặt trận Tây Nam đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ rồi trở ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1982, ông Nguyên rời quân ngũ trở về quê hương.

21 năm sau ngày chiến thắng 30/4/1975, kíp xe tăng 390 gồm 4 người có dịp mặt đông đủ và được trở lại Dinh Độc Lập thăm lại chiến trường xưa.

Hằng năm, vào mỗi dịp 30/4 những người lính giải phóng quân ngày ấy tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với các đơn vị, trường học ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, tiếp lửa truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, tô điểm hình ảnh đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong thời bình.

Cuộc đời quân ngũ của người pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên cũng trải qua nhiều kỷ niệm vui có, buồn có. Ông Nguyên từng chia sẻ: “Năm 1974, bố mất nhưng tôi không được biết tin để về chịu tang. Năm 1979, mẹ mất khi tôi đang tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Hai cái tang lúc tôi đang ở hai đầu đất nước mà không về được. Nhưng với mỗi người cán bộ quân đội như tôi luôn đặt nhiệm vụ chung lên trên tình cảm riêng tư”.
Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Bà má miền Nam và ký ức tháng Tư của Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu
Ký ức một thời hoa lửa
Hà Nội - hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động