Thứ hai 25/11/2024 15:01
Chuyện học hè

Kỳ cuối: Cha mẹ cần “học cùng con”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chuyện học hè của trẻ đa phần là ý muốn của các phụ huynh, mỗi phụ huynh đều có những lí do riêng của mình. Thế nhưng những áp lực lại đổ hết lên đầu con trẻ. Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này là điều đặt ra bấy lâu nay nhưng chưa có lời đáp.
Kỳ cuối: Cha mẹ cần “học cùng con”
Cha mẹ nên dành thời gian "học" cùng con. (Ảnh minh hoạ)

Về câu chuyện học thêm trong đợt hè, cô Ngân Quỳnh (giáo viên tiểu học huyện Gia Lâm,Hà Nội) cho hay, mặc dù có việc cấm học thêm nhưng nhu cầu của cha mẹ học sinh rất lớn. “Ngay cuối năm học đã có không dưới 10 phụ huynh học sinh đề cập với tôi về việc học thêm cho trẻ. Trong những phụ huynh đó, cũng có phụ huynh thực sự muốn củng cố lại kiến thức mà trẻ đã rơi rớt trong năm học, nhưng cũng có phụ huynh đơn thuần muốn tôi mở lớp “trông trẻ” để trẻ đỡ sa đà vào việc chơi bời trong những ngày hè”, cô Quỳnh nói.

Theo quan điểm của cô Quỳnh, việc dạy thêm cũng là cơ hội giúp giáo viên tăng thu nhập. Nên đây là câu chuyện ở cả hai phía, khó mà có thể đổ lỗi tại phụ huynh hay tại giáo viên. Nếu muốn giảm bớt nhu cầu học thêm vào mùa hè thì ngành giáo dục và chính các bậc phụ huynh cũng nên bỏ bớt áp lực, nỗi lo thi cử trường điểm, trường tốt đi. Bởi xu hướng hiện nay là cha mẹ nào cũng muốn con thi vào trường tốt, trường điểm, dẫn đến chạy đua về việc học thêm cho con. Việc này vô tình tạo một áp lực không nhỏ lên trẻ. Các con phải đi học theo mong muốn của bố mẹ. Trong khi đáng lẽ ra mùa hè là thời gian các con được vui chơi thỏa thích.

Một vấn đề nữa là ở các thành phố lớn hiện nay đang thiếu trầm trọng các sân chơi lành mạnh cho học sinh. Các em không có nơi để sinh hoạt các hoạt động tập thể, ngoại khóa, nên suốt mùa hè nếu không phải ở nhà thì cũng bị cha mẹ nhồi nhét trong các lớp học thêm.

Về chuyện học hè, học thêm trong hè, các nhà tâm lý và chuyên gia giáo dục cho rằng, việc trẻ em được nghỉ hè 3 tháng hoàn toàn căn cứ vào tâm sinh lý cũng như sức khỏe của học sinh. 3 tháng hè đó, các em có thể nghỉ ngơi, giải nhiệt toàn hoàn toàn những căng thẳng mệt mỏi trong năm học vừa qua, đồng thời tạo hứng khởi cho năm học tiếp. Đặc biệt với các bé chuẩn bị vào lớp 1, các bé vẫn ở tuổi ăn, tuổi chơi chưa có ý thức về học tập, việc căng thẳng học thêm sẽ dẫn đến tình trạng trẻ sợ học và ngại học.

Do đó, đối với học sinh tiền tiểu học, các chuyên gia cho rằng, không nên gò ép các con đến lớp học trước chương trình, hãy để trẻ được vui chơi theo đúng lứa tuổi của mình và háo hức khám phá những bài học mới trong các buổi học đầu năm, chứ không phải những con chữ nhàm chán mà trẻ đã biết từ trước.

Cũng theo các chuyên gia, với những trẻ lớn hơn, việc học hè nhiều có thể dẫn đến hệ quả việc học sau này sẽ không còn là niềm vui mà trở thành gánh nặng với các con. Thậm chí có những em còn bị lo âu, trầm cảm, vì phải học quá nhiều. Việc này là rất nguy hại đến cảm xúc, thể chất của các em. Một số phụ huynh cho rằng con học càng nhiều càng giỏi là không đúng. Trẻ chỉ có thể học tốt khi chúng được vui chơi.

Không ai cấm học thêm, nhưng cha mẹ nên chia sẻ với con xem con thích học thêm môn nào nhất trong dịp hè, chọn lựa thời điểm học cũng như số buổi học phù hợp để các con không bị căng thẳng. Mùa hè cần nhất là trẻ được đi chơi, đi du lịch, dã ngoại, về quê, ngắm nhìn thiên nhiên, khám phá bản thân, môi trường sống, chia sẻ với người thân yêu, kết nối tình bạn.....

Hãy dành cho trẻ những mùa hè thật bổ ích, ý nghĩa. Việc học thêm nếu có hãy làm sao cho trẻ học mà vui, mà không bị căng thẳng. Cha mẹ đừng quên rằng, những mùa hè đẹp, đáng nhớ sẽ là những ấn tượng con mang theo suốt cuộc đời. Làm sao để các con lớn lên không bị ám ảnh bởi những mùa hè dày đặc lịch học thêm, như một học kỳ thứ 3 trong năm.

Theo đó, các chuyên gia tâm lý cũng “hiến kế”, nếu cha mẹ lo lắng con quên kiến thức, có thể đề ra thời gian biểu cụ thể của các con trong ngày, phân bố hợp lý giữa chơi và tự học. Cần xen kẽ học ngoại ngữ, học đàn, học vẽ, học võ thuật, học bơi để nâng cao kiến thức và rèn luyện sức khoẻ.

Việc ôn tập văn hoá cũng cần thiết nhưng chỉ nên thực hiện từ 1/8 và cũng chỉ cần mỗi ngày ôn khoảng 1 tiếng, trong đó yêu cầu rèn chữ, làm lại các dạng toán đã học trong năm. Các em có thể đến các trung tâm ngoại ngữ để học thêm kiến thức ngoại ngữ của mình. Nhưng nhất thiết trước khi giỏi ngoại ngữ phải nắm vững “nội ngữ”- nghĩa là phần Tiếng Việt cơ bản.

Trong quá trình học, cha mẹ cần “học cùng con” - đó là điều căn bản. Nên chăng, mỗi ngày hè, cha mẹ hãy bớt ra khoảng 1 tiếng để kiểm tra việc tự học ôn c ủacon mình, bám vào nội dung sách giáo khoa, để giúp con học tập tốt hơn, tự tin bước vào năm học mới.

Cho trẻ làm gì trong hè là điều các bậc phụ huynh quan tâm chính đáng. Nhưng cho con nghỉ như thế nào và học những gì trong dịp hè ấy, thì không phải phụ huynh nào cũng có thể thực thi hợp lý. Làm như thế nào, quan tâm ra sao thì đòi hỏi sự “mềm hoá” vận dụng từng hoàn cảnh cụ thể của các gia đình. Miễn sao trẻ thấy được kỳ nghỉ hè thực sự bổ ích, lý thú mà vẫn không quên kiến thức, chuẩn bị tốt tâm thế để tự tin bước vào năm học mới.

Kỳ 2: Học hè chỉ để có chỗ… trông trẻ Kỳ 2: Học hè chỉ để có chỗ… trông trẻ

Cho rằng việc học hè đơn giản là để củng cố lại kiến thức trong năm, đồng thời cũng là cách để hạn chế con ...

Kỳ 1: Những đứa trẻ không có nghỉ hè Kỳ 1: Những đứa trẻ không có nghỉ hè

Thay bằng việc nghỉ xả hơi 2 tháng hè, bé Ngô Ngọc Hưng (9 tuổi) kín ngày bởi hàng loạt các lớp học thêm. Hết ...

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động