Thứ tư 26/06/2024 14:37
Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi):

Kỳ cuối: bảo vệ người lao động bằng các chính sách, quy định

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để ưu tiên bảo vệ người lao động bằng các chính sách, bằng các quy định pháp luật, trong dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), dự thảo đã có những quy định về việc xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Người lao động làm việc xuyên đêm để thi công đường Trúc Bạch. Ảnh: Khánh Huy
Người lao động làm việc xuyên đêm để thi công đường Trúc Bạch. Ảnh: Khánh Huy

Việc chậm, trốn… đóng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động

Chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và được thực hiện ngay từ khi mới thành lập nước. Đặc biệt từ khi có Luật BHXH, việc tổ chức thực hiện và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội hiệu quả hơn, số người tham gia và thụ hưởng chính sách xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến nay việc tham gia đóng phí BHXH bắt buộc còn có những bất cập, tình trạng chậm, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp đang là vấn đề nhức nhối trên cả nước.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2020 liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 số nợ này là trên 9.500 tỷ đồng; năm 2017 trên 9.700 tỷ đồng; năm 2019 trên 10.000 tỷ đồng và năm 2020 trên 11.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 30% tổng số nợ. Tổng số tiền chậm đóng BHXH của các đơn vị bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Cộng dồn đến hết năm 2022, số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu (tính đến cuối năm 2022). So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng.

Việc các đơn vị sử dụng lao động chậm, trốn… đóng BHXH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH việc doanh nghiệp trốn, chậm đóng BHXH thì lao động chính là những người phải gánh chịu hệ lụy từ điều này.

“Chúng ta đã biết là BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng. Do đó, khi trốn, chậm đóng BHXH tất cả những quyền lợi của người lao động đều bị ảnh hưởng và họ sẽ không được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất,” Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Còn theo đại biểu Hoàng Bảo Trân – ĐBQH tỉnh Bình Dương, việc người lao động bị “treo” sổ do doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi… cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến người lao động đồng loạt đi rút BHXH một lần, khi quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng không được bảo vệ do vi phạm từ người sử dụng người lao động.

Chính vì lý do ấy, đại biểu cho rằng, cần có quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao đông không còn khả năng đóng BHXH.

Ưu tiên bảo vệ người lao động bằng các chính sách, quy định

Để đảm bảo quyền lợi về BHXH đầy đủ của người lao động, dự thảo đã có những quy định về việc xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH. Đồng thời, dự thảo còn đề xuất giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người lao động hưởng lương hưu.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung nội dung quy định về quản lý thu, đóng BHXH, trong đó có quy định cả trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Nội dung dự thảo nhằm tăng cường hiệu quả trong việc quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng BHXH. Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH.

Cụ thể, dự thảo bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH. Theo đó, người SDLĐ nếu sau thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày, tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế).

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ sáu tháng trở lên. Hoặc cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ….

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn hướng đến mục tiêu là chăm lo cho con người, vì sự phát triển của con người. Việc thực hiện các chính sách và thụ hưởng từ các chính sách này đã được pháp luật quy định khá rõ ràng đối với người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy tình trạng người sử dụng lao động nợ BHXH, thậm chí cố tình trốn tránh trách nhiệm trong việc trích đóng BHX... Ở đây có thể thấy rằng, lỗi không phải là của người lao động mà người lao động lại gánh hậu quả này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ một mặt tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm. Mặt khác, cần có giải pháp bảo đảm quyền lợi liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động cũng như các rủi ro khi xảy ra tai nạn lao động, đau ốm, thôi việc, nghỉ việc, chuyển việc khi có đủ cơ sở xác định người lao động đã tham gia đóng đủ BHXH, BHYT. Xem đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp, giải quyết và ưu tiên bảo vệ người lao động bằng các chính sách, bằng các quy định pháp luật.

Kết

Luật Bảo hiểm xã hội là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc rà soát, sửa đổi căn bản, toàn diện các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH trong thời gian vừa qua sẽ góp phần quan trọng trong việc hướng đến mục tiêu an sinh xã hội bền vững, đồng thời thể hiện rõ hơn tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này được kỳ vọng sẽ nhằm tăng quyền lợi cũng như thuận lợi hơn trong thực hiện, là sự bảo chứng về an sinh xã hội đối với đông đảo tầng lớp nhân dân, những người trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Dự kiến ngày 25/6 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Ngày 27/5 vừa qua, kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa 2 đợt của kỳ họp Quốc hội trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét; căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội và chất lượng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo luật hay không thông qua trong giai đoạn sau của kỳ họp.

Kỳ 2: giữ người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội
Kỳ 3: Mở rộng lưới an sinh
Kỳ 4: mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội
Minh Dương - Nguyễn Dũng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động