Thứ sáu 08/11/2024 03:32
Để những người phụ nữ thoát khỏi “bóng ma” bạo lực gia đình

Kỳ 4: Vì sao có đến 90% phụ nữ bị bạo lực gia đình không tìm kiếm giúp đỡ?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có đến 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nhiều người phụ nữ cho rằng việc chấp nhận bị bạo hành sẽ có thể giải quyết xung đột
Nhiều người phụ nữ cho rằng việc chấp nhận bị bạo hành sẽ có thể giải quyết xung đột.

Những con số đáng sợ

TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh, về bản chất, bạo lực gia đình chính là những mâu thuẫn, xung đột trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình dẫn đến có người bị tổn thương, bị xúc phạm, bị hành hạ, thậm chí bị xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng.

Bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc. Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm.

Những người bị xâm phạm thường là những người yếu thế như vợ, con, những người già, thậm chí trong các mối quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng thì hành vi bạo lực lại càng dễ diễn ra, hậu quả nghiêm trọng hơn,… Những hành vi này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị bạo lực trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức trong gia đình và xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước khoảng 325.000 vụ. Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Kết quả điều tra này cũng cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).

Nguồn cơn dẫn đến bạo lực gia đình

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, chồng gia trưởng, thích áp đặt, dùng vũ lực với vợ vẫn tồn tại trong nhiều gia đình, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, người vợ không có tiếng nói.

Theo kết quả điều tra, tổng hợp của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từ 63 tỉnh/thành, có những nguyên nhân chính (trực tiếp hoặc gián tiếp) dẫn đến bạo lực gia đình nhưng trong đó bao gồm nguyên nhân cơ bản đến từ việc nhận thức của những thành viên trong gia đình. Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi - Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng, các hành vi lạm dụng, cưỡng bức tình dục, lăng mạ, sỉ nhục, ngoại tình... chưa được nhiều người xem là các hình thức bạo lực gia đình và với đa số hành vi bạo lực gia đình chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến chết người, bị thương.

Nguyên nhân cơ bản nữa chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân mà cụ thể nhất là phía những người vợ. Chính vì nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, có tâm lý bao che, không khai báo, sợ bị chê cười khi chuyện không hay của gia đình bị bại lộ nên thực trạng bạo lực gia đình ngày càng tiếp diễn.

Chưa kể đến nguyên nhân cộng đồng coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà, tâm lý “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “ngại” xen vào chuyện nhà người khác nên ít có sự can thiệp kịp thời, chỉ những lúc vụ việc đã, đang gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân về văn hóa như trình độ học vấn thấp, chênh lệch giữa vợ và chồng; nghĩ rằng việc chấp nhận bị bạo hành sẽ có thể giải quyết xung đột.

Về mặt kinh tế, nữ giới thường phụ thuộc nam giới về lĩnh vực kinh tế, năng lực nghề nghiệp, đặc biệt là tình trạng chênh lệch về nghề nghiệp giữa vợ và chồng, sự ưu ái đối với nam giới của các nhà tuyển dụng. Nạn thất nghiệp cũng dễ dẫn đến việc người chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mỗi khi không hài lòng điều gì đó với vợ con hoặc bản thân gặp chuyện không suôn sẻ dẫn đến “giận cá chém thớt”,… Ngoài ra, còn do tác động của các chất kích thích, của men bia, rượu, ma túy, của thói trăng hoa, ghen tuông… cũng khiến nhiều người chồng dễ dàng "ra tay" với vợ.

Theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường, trong cuộc sống thì mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái và các mâu thuẫn khác với các anh chị em trong gia đình là không tránh khỏi. Tuy nhiên việc giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào để thể hiện văn hóa, văn minh, tuân thủ pháp luật, tôn trọng lợi ích của người khác, tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác mới là vấn đề quan trọng…

Cơ quan liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tiến hành điều tra trên gần 1.100 phụ nữ cho thấy, có đến 64% trong số họ cho biết đã từng chịu bạo lực gia đình. Đáng lo ngại là các hành vi bạo lực nghiêm trọng bị lặp lại nhiều lần. Trong số 39% phụ nữ cho biết từng chịu bạo lực gia đình có đến 76% thường bị đe doạ nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Những nỗi đau bị giấu kín
Kỳ 1: Từ những vụ việc đau lòng...
Chuyện những người phụ nữ vượt lên mặc cảm, đòn roi để tìm lối thoát khỏi địa ngục hôn nhân
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động