Thứ bảy 27/04/2024 11:11
Cách nhận biết “dự án chưa đủ thủ tục pháp lý” khi đầu tư bất động sản:

Kỳ 3: Từ Country House thành Maryland Garden?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi dự án không được bất kỳ cơ quan chức năng nào cấp phép cùng với việc ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai cá nhân được công ty bảo lãnh bị nghi ngờ là giao dịch để huy động vốn, tên "dự án" đã được thay đổi.
Kỳ 3: Từ Country House thành Maryland Garden?

Hình ảnh quảng bá dự án Country House tại xã Yên Bài, Ba Vì năm 2012

Trách nhiệm của Công ty Hồ Sông Đà?

Như PL&XH đã đưa tin, đầu năm 2011, bà N.H.T ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Archi (Công ty Archi) để cùng nhau đầu tư và triển khai thực hiện dự án biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Country House tại xóm Muỗi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Kế toán Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hồ Sông Đà (Công ty Hồ Sông Đà) đã lập phiếu thu tiền mặt của bà T trong 2 đợt với số tiền gần 1 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồ Sông Đà ký đóng dấu vào phiếu thu đó.

Dự án đã không triển khai theo tiến độ hợp đồng nên bà T đã dừng nộp tiền theo tiến độ để yêu cầu ông Nam trả tiền. Năm 2017 và 2021, các bên đã lập 3 biên bản thanh lý, làm việc để thống nhất việc thanh lý hợp đồng và trả tiền cho bà T. Trong 3 lần này, ông Nam đều ký vào biên bản và đóng dấu với chức danh là Chủ tịch HĐQT Công ty Hồ Sông Đà.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn xã không có dự án nào của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hồ Sông Đà, không có dự án mang tên Country House được cấp phép.

Luật sư Mai Thảo, Phó giám đốc TAT Law firm cho biết, bà T nộp tiền để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh cá nhân với ông Nam nhưng lại do Công ty Hồ Sông Đà lập phiếu thu, có chữ ký đóng dấu của Chủ tịch HĐQT Công ty Hồ Sông Đà thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Hanh.

Vì vậy, việc ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bà T và ông Nam có dấu hiệu một giao dịch giả tạo nhằm huy động vốn để thực hiện dự án khi chưa đủ điều kiện huy động vốn.

Theo một số chuyên gia về bất động sản chia sẻ, trong thực tế, một số chủ đầu tư có cách thức lách luật: sử dụng hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa 2 cá nhân để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án nhằm “cố né” các quy định cấm của pháp luật về huy động vốn khi chưa được phép.

Kỳ 3: Từ Country House thành Maryland Garden?

Phụ lục hợp đồng góp vốn về ô đất (khoanh màu đỏ) bà T sẽ nhận được.

Nếu Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bà T và ông Nam là giao dịch dân sự của hai cá nhân thì đáng lý tiền bà T nộp để thực hiện Hợp đồng phải do ông Nam nhận. Mặt khác, nếu là giao dịch của hai cá nhân thì việc thanh lý hay chấm dứt hợp đồng cũng phải cá nhân ông Nam và bà T đàm phán, thỏa thuận và ký kết. Công ty Hồ Sông Đà có tham gia làm việc với bà T thì cũng chỉ với tư cách là bên bảo lãnh cho ông Nam khi ông Nam không thực hiện đúng Hợp đồng hợp tác kinh doanh với bà T.

Thực tế, tiền bà T nộp do Công ty Hồ Sông Đà nhận, biên bản làm việc với bà T và biên bản thanh lý Hợp đồng đều do Công ty Hồ Sông Đà xác nhận, ký và đóng dấu. Vì vậy, ngoài việc trên Hợp đồng hợp tác kinh doanh thể hiện là cá nhân ông Nam ký thì toàn bộ các tài liệu và chứng cứ khác đều thể hiện giao dịch giữa bà T và ông Nam – với tư cách là đại diện Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hồ Sông Đà.

Vậy trách nhiệm của Công ty Hồ Sông Đà trong vụ việc này như thế nào? Rất cần cơ quan chức năng làm rõ.

Đổi tên thành khu nghỉ dưỡng Maryland Garden

Theo chỉ dẫn của bà N.H.T, phóng viên PLXH đã đến thôn Muỗi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội để ghi nhận thực tế lô đất bà T sẽ nhận được sau khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với ông Nguyễn Thành Nam.

Kỳ 3: Giao dịch  nhằm huy động vốn?
Khu đất bà T được giới thiệu sẽ nhận được nếu sau khi ký kết hợp đồng hợp tác cá nhân với ông Nguyễn Thành Nam.

Theo quan sát của PV, đường vào khu đất khá ngoằn ngoèo, chỉ rộng khoảng một ô tô đi. Khu đất không có biển Country House mà thay vào đó với tên khác là Maryland Garden, đây được giới thiệu là khu nghỉ dưỡng. Đường vào khu nghỉ dưỡng khá lầy lội, bùn đất cùng nước lõm bõm, chưa được đổ bê tông hay đổ nhựa.

Tiếp tục theo chỉ dẫn của bà T, PV đã vào lô đất bà T sẽ nhận được sau khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với ông Nguyễn Thành Nam. Theo quan sát, khu đất này vẫn đang là đất trống, cây cỏ mọc um tùm. Đối diện gần đó là một ngôi nhà đã được xây dựng.

Trao đổi với PV, một nhân viên tại khu nghỉ dưỡng Maryland Garden cho hay, chị không biết dự án Courty House là dự án nào, ở đây không có dự án nào mang tên Courty House.

Một người dân có nhà ở gần Maryland Garden chia sẻ, khoảng 2012 khu nghỉ dưỡng Maryland Garden được cắm biển là Country House, sau này đổi thành Maryland Garden.

Một người dân khác thì cho biết, chị vẫn thường xuyên vào Maryland Garden để làm việc, khu nghỉ dưỡng này đang được cho thuê lại và đã có người mua nhà ở bên trong nhưng vẫn cho đơn vị quản lý thuê lại.

Ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì cho biết, Country House lâu rồi, bây giờ không tồn tại. Khu đất Maryland Garden là của hộ cá nhân quản lý, bây giờ không biết là ai, khu này không phải dự án.

(Còn nữa)

Kỳ 2: “Dự án” Country House và những mập mờ Kỳ 2: “Dự án” Country House và những mập mờ
Kỳ 1: Cảnh giác với “hợp đồng góp vốn”, “hợp đồng hợp tác kinh doanh” Kỳ 1: Cảnh giác với “hợp đồng góp vốn”, “hợp đồng hợp tác kinh doanh”
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động