Kỳ 3: Kiến nghị bịt các lỗ hổng trong định giá đất và đấu giá đất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần quy định chặt chẽ hơn nữa đối với hoạt động bán đấu giá tài sản |
Những lỗ hổng…
Qua nghiên cứu các vụ án liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, PL&XH đã từng đăng tải nhiều bài viết phân tích và chỉ ra nhiều lỗ hổng lớn trong pháp luật đất đai và đấu giá tài sản. Và tưởng chừng là tất cả những bất cập, lỗ hổng của quy định pháp luật về đất đai và đấu giá tài sản đều đã được nhận diện hết. Thế nhưng, theo dõi những vụ án đất đai liên quan đến đấu giá tài sản trong thời gian qua mới thấy pháp luật về đất đai và đấu giá tài sản vẫn còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Như vậy, cùng với hành vi “lách qua cửa hẹp” trong đấu giá quyền sử dụng đất thì kẽ hở trong quy trình định giá đất chính là “cứu cánh” để cho những cán bộ có chức có quyền lợi dụng hợp thức hóa quy trình đấu giá đất, giao đất, cho thuê đất… với giá thấp hơn giá đất phổ biến trên thị trường nhiều lần, để cùng nhau trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Từ thực tế nghiên cứu các đại án liên quan đến đất đai cho thấy, rất khó để ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra trong tương lai, nếu như không bịt được lỗ hổng của pháp luật. Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết cần phải sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản để bịt các lỗ hổng như đã phân tích ở trên. Cần phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất… Đồng thời, phải nghiên cứu sửa đổi toàn diện các nội dung được cho là kẽ hở của điều luật trực tiếp điều chỉnh và điều luật có liên quan trong quy trình xác định giá đất cụ thể.
Đặc biệt để quy trình định giá đất thực hiện minh bạch, khách quan, giá đất cụ thể được xác định đảm bảo phù hợp theo giá đất phổ biến trên thị trường cần phải có quy định hạn chế quyền lực của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh. Hay nói cách khác, cần phải sửa đổi khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013 theo hướng, giá đất cụ thể trước khi quyết định ban hành, UBND tỉnh cũng bắt buộc phải thông qua HĐND cùng cấp, thậm chí phải niêm yết công khai tại các khu vực công cộng hoặc đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo từ nhiều nguồn…
Làm được như vậy, giá đất cụ thể sẽ được minh bạch trong từng gói thầu và dự án, theo đó người dân càng có thêm cơ hội để giám sát và phản biện. Điều đó cũng đồng nghĩa nguồn thu của Nhà nước không bị thất thoát như thời gian qua.
Việc thẩm định giá đang có vấn đề lớn
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội, tình trạng tiêu cực, tham nhũng, thất thoát tài sản Nhà nước thông qua hoạt động đấu giá xảy ra rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương, nhất đối với các tài sản có giá trị rất lớn như đất đai, trụ sở công, nhà cửa, tài nguyên, khoáng sản... Do đó, bên cạnh tăng cường chấn chỉnh, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định chặt chẽ hơn nữa đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng việc ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, thất thoát tài sản Nhà nước thông qua đấu giá.
“Phải đảm bảo đủ thời gian cần thiết để có nhiều tổ chức đấu giá tài sản có thể chuẩn bị hồ sơ và tham gia lựa chọn đấu giá tài sản. Đồng thời để tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản thì cần kéo dài thời gian nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá, ít nhất phải là 10 ngày làm việc. Điều này nhằm tránh tùy tiện hoặc quy định thời gian quá ngắn gây khó khăn cho tổ chức đấu giá tài sản có năng lực, kinh nghiệm khi tham gia nộp hồ sơ lựa chọn tham gia đấu giá mà trên thực tế đã diễn ra nhiều trường hợp như vậy”, luật sư Thái cho hay.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho cũng rằng, các vụ tham nhũng về đất đai thường có giá trị lớn và được tính toán thông qua quy trình định giá đất. Cụ thể, việc định giá đất lúc giao đất, cho thuê đất rất thấp, nhưng khi định giá lại theo giá trị thị trường lại rất cao. Theo ông Đặng Hừng Võ, điều này có nghĩa là định giá đất đang có vấn đề lớn, cần xem xét và đổi mới.
Vừa qua, chúng ta mới tập trung vào các vụ tham nhũng lớn liên quan tới thực hiện thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan Nhà nước, trong khi các hình thức tham nhũng vặt liên quan tới thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chưa được phát hiện và xử lý, những bức xúc của người dân về tham nhũng vặt vẫn chưa được giải tỏa.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ |
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nhận định, tất cả những hành vi thực thi trái pháp luật với ý đồ tham nhũng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời là do không thực hiện tốt các quy định về quản trị đất đai đã được thể hiện tại một số điều của Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 đã có Điều 199 nói về vai trò giám sát trực tiếp của người dân và Điều 200 về vận hành hệ thống giám sát đánh giá. Tuy nhiên đến nay, 2 điều này vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được đưa vào thực tế.
Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 còn thiếu một yếu tố nữa là về trách nhiệm giải trình. Hệ thống quản trị cần có 3 yếu tố: Một là sự tham gia của người dân vào giám sát và quản lý giám sát như quy định tại Điều 58 của Hiến pháp. Yếu tố thứ 2 là công khai minh bạch để người dân có thông tin để thực hiện giám sát. Yếu tố thứ 3 là trách nhiệm giải trình, sau khi có ý kiến giám sát của người dân thì các cơ quan Nhà nước cần phải có trách nhiệm thực hiện giải trình trước các ý kiến đóng góp của người dân.
Cơ quan Nhà nước có 2 thẩm quyền, thứ nhất là quyền quyết định về đất đai, đại diện cho quyền sở hữu của toàn dân để quyết định đất đai. Vai trò thứ 2 là quản lý về đất đai, tức là người giữ trật tự trong vai trò sử dụng đất. Rất nhiều vụ tham nhũng có liên quan đến đấu giá đất. “Cũng cần nhìn nhận là việc đấu giá đất không phải ưu việt hoàn toàn. Nó sẽ dẫn tới những người có tiền sẽ được ưu tiên, nhưng sau đó sử dụng đất như nào thì không kiểm soát được. Vì vậy cần giao đất cho những người thực sự cần sử dụng đất này. Theo đó để phòng, chống tham nhũng liên quan đến đất đai, cần phải dựa vào phương thức kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan Nhà nước được trao thẩm quyền ban hành quyết định”, ông Đặng Hùng Võ phân tích.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Điểm “đúng huyệt” những sai phạm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại