Chủ nhật 24/11/2024 16:46
Những biến tướng của lạm dụng xe cứu thương:

Kỳ 3: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến sử dụng xe cứu thương sai mục đích, theo Tiến sỹ-Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên thỉnh giảng, Học viện Tư pháp-Bộ Tư pháp còn do việc phân cấp và chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng xe cứu thương chưa rõ ràng, còn chồng chéo ở nhiều cấp nhiều ngành.

Theo quy định hiện nay, Bộ Công an quản lý việc đăng ký biển số, cấp phép sử dụng thiết bị ưu tiên; Bộ Giao thông vận tải quản lý việc đăng kiểm; Bộ Y tế quản lý việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động và có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng xe ô tô cứu thương trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc; Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm thu các loại thuế, phí…

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi lái xe vi phạm

Để khắc phục những tồn tại trong việc quản lý, sử dụng xe cứu thương nhằm đưa hoạt động của xe cứu thương trở về đúng mục đích cũng như đúng ý nghĩa, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đã đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp của các cấp, ngành; cùng đó là ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Công an cần rà soát điều kiện cấp giấy phép hoạt động của từng xe cứu thương, từng cơ quan, đơn vị khám chữa bệnh hoặc cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh. Bảo đảm hạn chế tối đa hiện tượng xe cứu thương “dù”, xe không bảo đảm chất lượng, an toàn cho người bệnh.

Tiến sỹ-Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên thỉnh giảng, Học viện Tư pháp-Bộ Tư pháp cho rằng: Cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người sử dụng xe cứu thương, cùng đó áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh để hạn chế việc sử dụng sai mục đích với xe cứu thương (ảnh TL)
Tiến sỹ-Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên thỉnh giảng, Học viện Tư pháp-Bộ Tư pháp cho rằng: Cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người sử dụng xe cứu thương, cùng đó áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh để hạn chế việc sử dụng sai mục đích với xe cứu thương (ảnh TL)

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông theo phân cấp cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên cho xe cứu thương của các tổ chức, cá nhân. Qua công tác cấp phép sử dụng thiết bị tín hiệu ưu tiên, yêu cầu các tổ chức, cá nhân lắp đặt, sử dụng còi theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý khi xe ưu tiên vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong khi không làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, thông qua hệ thống camera giám sát hoặc kiểm tra số xe, phù hiệu xe.

Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng xe ô tô cứu thương thuộc thẩm quyền quản lý; theo dõi xe ô tô cứu thương của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành) trên địa bàn, chia sẻ số liệu theo dõi hằng năm về xe ô tô cứu thương với lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn, định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Y tế quản lý chung.

Song song đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh cần quản lý hoạt động của xe ô tô cứu thương tại cơ sở; Người đứng đầu phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quản lý chặt chẽ trong việc điều động sử dụng xe ô tô cứu thương; chịu trách nhiệm trong trường hợp lái xe tự ý sử dụng xe cứu thương khi chưa có lệnh điều xe, không xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Truy cứu trách nhiệm hình sự khi dùng xe cứu thương sai mục đích

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, hiện các quy định pháp luật đã có đầy đủ các chế tài xử phạt hành vi vi phạm sử dụng xe cứu thương. Tuy nhiên, trước hết các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đăng ký, sử dụng xe cứu thương đến với những người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực này để nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ của người dân. Đồng thời, xử lý nghiêm minh hành vi sử dụng xe cứu thương trái mục đích bảo đảm tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa.

Đối với hành vi sử dụng sai chứng năng, mục đích của xe cứu thương, tùy từng trường hợp và hậu quả cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, tại Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có quy định xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ô tô như sau: Phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi: Xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định;

Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt sử dụng trái quy định.

Khi xe cứu thương sử dụng sai mục đích còn có thể bị xử phạt thêm các hành vi tương ứng như: vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, sai làn đường… mức xử phạt tại các điều luật quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Đối với trường hợp sử dụng xe cứu thương để chở thuê người thông chốt kiểm dịch, vi phạm các quy định về phòng chống dịch làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội“Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự với mức hình phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt từ 01 năm đến 12 năm tù.

Việc sử dụng trái mục đích xe cứu thương để chở hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vận chuyển, buôn bán hàng cấm” hoặc “buôn lậu”; nếu sử dụng xe cứu thương trái mục đích dẫn đến hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, “vô ý làm chết người” hoặc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại các Điều 128, 188, 190, 191, 260 và Điều 360 Bộ luật hình sự.

Kỳ 2: Ký hợp đồng với BV, nghiễm nhiên thành “xe cứu thương”? Kỳ 2: Ký hợp đồng với BV, nghiễm nhiên thành “xe cứu thương”?

Lợi dụng quyền ưu tiên của xe cứu thương và quy định “mở” cho phép xã hội hóa dịch vụ xe cứu thương, cho cơ ...

(Còn nữa)

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động