Kỳ 2: Ký hợp đồng với BV, nghiễm nhiên thành “xe cứu thương”?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLợi dụng quyền ưu tiên thực hiện hành vi trái phép
Trao đổi với PV PL&XH về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng xe cứu thương sai mục đích, lạm dụng để trục lợi, Tiến sỹ-Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên thỉnh giảng, Học viện Tư pháp-Bộ Tư pháp phân tích:
Như chúng ta đã biết, tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về quyền ưu tiên đi trước của một số loại xe khi tham gia giao thông, qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quyền ưu tiên thứ 3 sau xe chữa cháy và xe quân sự/xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp. Các xe ưu tiên được quyền ưu tiên đi trước phương tiện khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới, đi ngược chiều, đi vào đường cấm hoặc vượt đèn đỏ. Điều kiện để được quyền ưu tiên là các xe này phải đang làm nhiệm vụ và phải phát tín hiệu còi, cờ, đèn theo đúng quy định.
Tiến sỹ-Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên thỉnh giảng, Học viện Tư pháp-Bộ Tư pháp |
Tại Điều 3 Thông tư số 27/2017/TT-BYT ngày 28-6-2017 của Bộ Y tế ban hành Quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương thì xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây: Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu; Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, mặc dù Thông tư 27 có quy định nghiêm cấm sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích nêu trên. Đồng thời, Thông tư quy định rõ người điều khiển xe cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, lợi dụng quyền ưu tiên này, thời gian qua một số tổ chức, các nhân đã sử dụng xe cứu thương trái quy định để thực hiện một hay nhiều mục đích, động cơ khác nhau. Trong đó có việc sử dụng xe cứu thương cho thuê để vận tải; trốn chốt kiểm dịch; vận chuyển gỗ lậu; chở quá số người quy định; hoặc các trường hợp xe cấp cứu không có bệnh nhân nhưng tài xế vẫn rú còi, sử dụng quyền ưu tiên.
“Xe dù” trục lợi từ chính sách xã hội hóa
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích của xe cứu thương các đối tượng đã lợi chính sách xã hội hóa của nhà nước ta đối với dịch vụ xe cứu thương để trục lợi.
Lý giải nhận định này, Tiến sỹ-Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa phân tích: Trước đây, Bộ Y tế có Thông tư số 16/1998/TT-BYT ngày 15-12-1998 quy định việc nhập khẩu, quản lý và sử dụng xe ô tô cứu thương, trong đó quy định các doanh nghiệp được xuất, nhập khẩu trực tiếp và kinh doanh trang thiết bị y tế được Bộ Y tế xác nhận nhập khẩu mặt hàng xe ô tô cứu thương mới được phép nhập khẩu; các loại xe ô tô cứu thương nhập khẩu phải có các thiết bị chuẩn theo quy định của Bộ Y tế duyệt theo tình hình thực tế và sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Các xe cấp cứu, xe cứu thương BV hoạt động theo quy chế BV và các quy định của ngành. Còn với các dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài BV, do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên thực hiện theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 21-1-2008 Về việc Ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc.
“Việc nhập khẩu, đăng ký đủ điều kiện hoạt động cho xe cứu thương gặp nhiều khó khăn, qua nhiều khâu, nhiều ngành cấp giấy phép. Việc thiếu hụt xe cứu thương dẫn đến tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ vận chuyển trong khuôn viên BV và rộng hơn là cả quản lý vận chuyển cứu thương, xe tang và xe taxi”, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.
Mặc khác, thực tế tồn tại trong một thời gian dài tình trạng xe cứu thương, xe taxi… ở nhiều BV hoạt động theo “luật ngầm”. BV và các đơn vị cung cấp dịch vụ dường như có bắt tay với nhau. “Luật ngầm” tồn tại dựa trên quy định nội bộ của BV và hạn chế tự do lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra vào, tạo điều kiện cho 1-2 đơn vị cung cấp dịch vụ là đối tác của BV. Vì vậy, muốn xóa “luật ngầm” đòi hỏi phải gỡ bỏ các quy định nội bộ.
Đến ngày 28-6-2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BYT về quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương thay thế Thông tư số 16/1998 nói trên. Theo đó, Thông tư này không cấm việc người nhà tự liên hệ xe cứu thương để chuyển viện, ra viện; người nhà bệnh nhân được tự quyết định lựa chọn phương tiện vận chuyển, hỗ trợ cấp cứu theo nhu cầu và khả năng… Cùng đó, ngoài việc quy định BV có phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài BV, Thông tư còn cho phép các cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh được phép đăng ký, sử dụng xe cứu thương.
Sự ra đời của Thông tư đã tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ xe cứu thương ra đời, tạo cho người bệnh có nhiều cơ hội lựa chọn. Thế nhưng cũng kéo theo tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng quy định để “lách luật” bằng cách chỉ ký hợp đồng xe cấp cứu với BV và gắn biển để hoạt động như xe cứu thương, nghiễm nhiên trở thành xe ưu tiên khi chưa được Sở Y tế địa phương cấp phép; nhiều tổ chức từ thiện tự động gắn còi ưu tiên, dán biểu tượng chữ thập đỏ, chữ thập xanh và in dòng chữ “xe chuyển viện”, “xe cứu trợ” xuất hiện rất nhiều trên từ thôn xóm cho đến các tuyến phố… và hoạt động sai mục đích.
Ngành y tế đã có chủ trương mong muốn thay đổi tư duy quản lý theo phương pháp tiếp cận từ “phục vụ” sang “cung cấp dịch vụ”, để người bệnh khi đến khám, chữa bệnh không chỉ hài lòng về chất lượng, phong cách phục vụ của cán bộ y tế mà còn hài lòng cả về những dịch vụ liên quan. Do đó, ngày 7-7-2016, Bộ Y tế đã có Văn bản số 737/KCB-QLCL chỉ đạo các BV kiên quyết gỡ bỏ các quy định nội bộ dẫn đến việc hạn chế tự do lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra vào BV. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Thuê xe cứu thương, giả làm bệnh nhân cấp cứu để tránh chốt kiểm dịch Hình ảnh xe cứu thương lâu nay vốn tạo niềm tin cho cộng đồng và người bệnh. Khi xe cứu thương xuất hiện người bệnh/gia ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại