Kỳ 1: Thuê xe cứu thương, giả làm bệnh nhân cấp cứu để tránh chốt kiểm dịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 26-6-2021, lực lượng CSGT thuộc Đội 2 - Cục CSGT phát hiện 1 xe ô tô cứu thương của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hưng Dũng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đi từ hướng Hải Phòng sang Quảng Ninh qua chốt kiểm dịch nhưng không dừng khai báo y tế. Tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra, phát hiện trên xe có 6 người.
Ban đầu, những người này khai là bệnh nhân đi cấp cứu, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe đã không xuất trình được giấy phép lái xe. Đồng thời, cả 5 người trên xe đều thú nhận có hộ khẩu thường trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương nhưng đã thuê xe cứu thương chở sang Quảng Ninh để đi làm chứ không hề ốm đau, bệnh tật.
Xe cứu thương chở nhóm người “né” chốt kiểm soát y tế để đi làm đã bị bắt giữ và xử phạt. Ảnh: Trần Dũng |
Tương tự là vụ việc xảy ra lúc 21g20 ngày 12-6-2021 một xe cứu thương mang biển kiểm soát Hà Nội khi đi qua chốt kiểm dịch y tế ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã cố tình phát tín hiệu xin vượt để tránh khai báo y tế. Ngay lập tức, các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt đã yêu cầu tài xế dừng xe để thực hiện theo quy định. Quá trình kiểm tra, lực lượng trực chốt đã phát hiện trong xe đang chở theo 12 người và không có bệnh nhân. Một số người trên xe khai nhận, đi từ huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh về ngã ba Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La với mức giá 300.000đồng/người.
Cùng với việc lợi dụng xe cứu thương để “thông chốt” kiểm dịch Covid-19 thì đã có tình trạng dùng xe cứu thương làm ngụy trang để chở hàng lậu. Điển hình là vụ việc ngày 20-4-2020, CA huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng phối hợp Phòng Nghiệp vụ - CATP Hải Phòng và Cục Quản lý thị trường Hải Phòng phát hiện, thu giữ 7.500 khẩu trang y tế không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ được vận chuyển trên xe cứu thương.
Xa hơn là vụ việc dùng xe cứu thương chở gỗ lậu ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai do lực kiểm lâm huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) phát hiện ngày 5-7-2012. Chiếc xe cứu thương 115 của doanh nghiệp taxi Hùng Nhân ở thời điểm đó vận chuyển lâm sản trái phép từ một căn nhà trên đường Trần Phú, thị trấn Plei Kần. Thời điểm đó, hãng taxi này có phương tiện hoạt động dịch vụ cấp cứu chuyển viện tại BVĐK tỉnh Gia Lai, có sử dụng biểu tượng của Hội chữ thập đỏ nhưng chưa được cấp phép của Hội và cũng không tham gia các hoạt động nhân đạo nào.
Cho đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về tình trạng sử dụng xe cứu thương sai mục đích nhưng các sự việc trên cho thấy công tác kiểm soát việc đăng ký, sử dụng xe cứu thương còn nhiều lỗ hổng; chưa có sự chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến các đối tượng tìm đủ chiêu thức để hoạt động trái phép, trục lợi bất chính.
Theo Điều 4 của Thông tư 27/2017/TT-BYT về quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng xe ô tô cứu thương trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc. Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương có trách nhiệm: Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng xe ô tô cứu thương thuộc thẩm quyền quản lý; Làm đầu mối theo dõi xe ô tô cứu thương của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành) trên địa bàn; Chia sẻ số liệu theo dõi hàng năm về xe ô tô cứu thương với lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn. |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại