Kỳ 3: Chưa có chế tài bắt buộc người tâm thần phải đi điều trị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười đang mắc bệnh tâm thần không chịu trách nhiệm hình sự |
Chưa có chế tài bắt buộc người bệnh phải đi điều trị
Hiện ở Việt Nam chưa có chế tài bắt buộc người tâm thần phải đi điều trị, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám, điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình. Mà việc có đưa người bệnh đi điều trị hay không lại phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế. Với nhiều gia đình, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh, vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình.
Trong khi đó, theo Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - BV Bạch Mai cho thấy tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt… đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó có khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị. Trong các chứng rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động.
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt; 20 tỉnh, TP hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí… Mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Hơn nữa cũng cần nhìn nhận thực tế, mặc dù đã xảy ra vô số các vụ việc do người tâm thần gây ra, nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm, chưa nhận thức đúng về việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Theo các chuyên gia, các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng ở Việt Nam hiện tại thường tập trung các đối tượng theo quy mô lớn; đối tượng sống xa cách với gia đình và cộng đồng; thiếu các dịch vụ tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu; cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng…
Trong đại dịch Covid – 19 vừa qua, nhiều thống kê cho thấy số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Người đang mắc bệnh tâm thần không chịu trách nhiệm hình sự
Trong khi đó, theo Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Và cho đến khi thực hiện những hành vi đó, theo quy định tại Điều 49, lúc đó Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mới có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Về vấn đề này Luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi phạm pháp. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi.
Đối với những người tâm thần phạm tội họ có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận chỉ bị hạn chế năng lực hành vi thì vẫn có thể bị truy cứu.
Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.
Điều này được quy định trong Luật dân sự 2015, theo đó, điều 586 khoản 3 quy định, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người giám hộ cho người bị tâm thần không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình…
Bởi chưa có chế tài bắt buộc người có vấn đề về tâm thần phải đi chữa bệnh nếu không có những hành vi phạm pháp, nhưng để tránh câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”, theo các chuyên gia, những gia đình có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Không nên quá trông chờ vào những cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương mà trách nhiệm chính vẫn là từ các gia đình của người có dấu hiệu tâm thần, cần giám sát và tận tâm, chia sẻ, phải đưa người tâm thần đi chữa bệnh kịp thời để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh nhân tâm thần gây án- Kỳ 2: Nỗi đau tột cùng khi người bệnh gây án | |
Bệnh nhân tâm thần gây án - Kỳ 1: Những vụ án thương tâm... |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại