Kỳ 2: hướng đến lợi ích của người dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHàng ngày số lượng lớn người dân đến Sở Tư pháp TP Hà Nội xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Ảnh: Bạch Dương |
Người dân mong mỏi thí điểm sớm được triển khai
Theo Bộ Tư pháp, số lượng Phòng Tư pháp được áp dụng thí điểm ít nhất là 1/3 trong tổng số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, riêng tỉnh Nghệ An ít nhất là 5 Phòng Tư pháp. Trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp mới đây, Hà Nội kiến nghị thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại tất cả các quận, huyện, thị xã. Đây cũng là mong mỏi của người dân sớm được thực hiện cấp Phiếu LLTP tại địa phương mình sinh sống.
Năm 2023 đã có thời điểm lượng người đến Sở Tư pháp TP Hà Nội xin cấp Phiếu LLTP tăng đột biến, gây quá tải trong khâu xử lý. Không ít người phải đi từ 4-5h sáng đến Sở Tư pháp xếp hàng lấy số thứ tự, nhiều người đến 3-4 lần mới đến lượt làm hồ sơ...
Chị Nguyễn Thị Hiền, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết: “Thời điểm tháng 4/2023, Sở Tư pháp bị quá tải khi lượng người đến xin cấp Phiếu LLTP rất đông, không chỉ tôi mà rất đông người dân đến Sở xin Phiếu LLTP đều thắc mắc sao không thực hiện thủ tục này tại quận, huyện mà phải đến Sở Tư pháp… Nay có thông tin, tới đây việc cấp Phiếu LLTP sẽ được Hà Nội phân về cấp huyện, chúng tôi rất vui mừng, mong mỏi chủ trương này được sớm thông qua và triển khai. Người dân sẽ thuận lợi hơn nhiều khi đi làm thủ tục xin cấp Phiếu LLTP”.
Chị Lê Thị Hòa, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Hà Nội đang có 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Nhiều huyện ngoại thành như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây… rất xa trung tâm TP, quãng đường người dân phải đến Sở Tư pháp TP từ 50km đến 80km. Việc đi lại xa xôi, khó khăn, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc. Do đó, thí điểm Phiếu LLTP về cơ sở là chủ trương rất cần thiết, không những góp phần tránh quá tải cho bộ phận “Một cửa” Sở Tư pháp, mà còn tạo thuận lợi hơn cho người dân làm thủ tục nhanh gọn ngay tại địa bàn mình sinh sống”.
Theo anh Trần Khánh Tùng, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, thực tế nhu cầu làm LLTP đang ngày một tăng lên, việc Hà Nội kiến nghị thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại tất cả các quận, huyện, thị xã là đang hướng đến lợi ích cho người dân. Anh Tùng nêu quan điểm rất đồng tình với kiến nghị này và mong muốn sớm đi vào triển khai thực hiện.
Bà Ngô Hồng Thủy - Trưởng Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm nhận định việc thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại cấp huyện là phù hợp với thực tiễn |
Tạo điều kiện tốt nhất cho Nhân dân
Tại cuộc họp báo cáo về chủ trương thí điểm cấp Phiếu LLTP vừa diễn ra, Phó Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia Đỗ Thị Thúy Lan cho biết, Bộ Tư pháp đã bổ sung tiêu chí để lựa chọn Phòng Tư pháp nhằm bảo đảm việc thí điểm hiệu quả, có cơ sở đánh giá, tổng kết; quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Phòng Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong tra cứu, xác minh thông tin cấp Phiếu LLTP.
Hiện nay, biên chế làm việc tại các Phòng Tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội từ 4 - 6 công chức, tùy thuộc vào địa bàn quận, huyện. Cơ sở vật chất, trang thiết của Phòng Tư pháp cơ bản được bố trí đầy đủ như: máy tính, máy in, máy scan…, có kết nối internet để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Bà Ngô Hồng Thủy, Trưởng Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm nhận định, trong bối cảnh thực tế về việc cấp Phiếu LLTP hiện nay, việc thí điểm cấp Phiếu LLTP tại cấp huyện là phù hợp với thực tiễn. Khi việc thí điểm đưa thủ tục xuống cấp cơ sở thì sẽ gần gũi hơn với người dân, đó là một điều thuận lợi. Tuy nhiên, hiện Phòng Tư pháp có khối lượng công việc hàng ngày lớn, cán bộ công chức thường xuyên phải làm thêm giờ. Do đó, cần phải bổ sung biên chế để đáp ứng tốt những nhiệm vụ được giao.
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Ba Vì Nguyễn Thành Sơn cho hay, việc phân cấp thẩm quyền cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp cấp huyện phù hợp với tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ Sở Tư pháp.
“Với một địa bàn xa như huyện Ba Vì thì việc thí điểm phân cấp cấp Phiếu LLTP về cấp huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Nhân dân, đồng thời tăng tính chủ động của đơn vị hành chính cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính. Song, cần bổ sung biên chế và cơ sở vật chất cho Phòng Tư pháp cấp huyện gắn với việc phân cấp. Huyện Ba Vì có địa bàn rộng mà biên chế chỉ có 5 người, trong đó 1 cán bộ trực bộ phận một cửa trong khi khối lượng công việc lớn”, ông Nguyễn Thành Sơn bày tỏ.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Khi nhu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp tăng cao |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại