Thứ hai 02/09/2024 07:10
Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại

Kỳ 2: Hồi sinh làng nghề truyền thống qua các mùa lễ hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhằm phủ sóng thương hiệu làng nghề, những năm qua Hà Nội nở rộ các hoạt động lễ hội du lịch gắn kết các sản phẩm OCOP làng nghề. Thông qua các lễ hội, hàng nghìn sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm làng nghề Hà Nội “Hội tụ - kết tinh - lan tỏa” trên cả nước và thị trường quốc tế.
Quảng bá sản phẩm OCOP tương, miến làng nghề Cự Đà tại Festival Thu Hà Nội năm 2023.
Quảng bá các sản phẩm OCOP tại Festival Thu Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mộc Miên

“Đặc sản” OCOP Hà Nội “hút” khách

Thống kê hiện nay, mỗi năm Hà Nội tổ chức khoảng 10 lễ hội du lịch cấp TP. Các lễ hội du lịch gắn kết sản phẩm làng nghề tạo sức hút đặc biệt tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Du lịch Hà Nội; Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội; Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội; Lễ hội trái cây TP Hà Nội; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội Bia Hà Nội; Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024; Lễ hội Sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất năm 2024… Cùng với các hoạt động hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm làng nghề, OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn kết văn hóa du lịch địa phương tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội.

Tháng 7/2024, “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” tổ chức tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Hà Nội) đã thu hút khoảng 50.000 lượt du khách tham quan, mua sắm. Lễ hội quy tụ hơn 1.000 sản phẩm OCOP các vùng miền, trong đó các sản phẩm OCOP từ các làng nghề Hà Nội “đắt” du khách tham quan. Khách hàng dành lời khen ngợi về sản phẩm tơ tằm, lụa tơ sen “độc nhất vô nhị” của Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức; nón làng Chuông (Chương Mỹ, Hà Nội); sản phẩm tranh, đồ lưu niệm sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), chuồn chuồn tre Thạch Xá, thương hiệu “trà sen Hiền Xiêm”, “Son Sen”… Ngoài ra, ẩm thực bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ, sản phẩm sữa Ba Vì… là các gian hàng thu hút rất nhiều thực khách.

Sau 5 ngày tổ chức, “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” có tổng doanh thu và giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua các sản phẩm OCOP và sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng (trong số doanh thu bán trực tiếp 6 tỷ đồng).

Tại Festival Thu Hà Nội năm 2023 lần đầu tiên tổ chức đón hàng nghìn lượt du khách trải nghiệm. Trong không gian ẩm thực Hà thành, các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề xôi Phú Thượng, tương và miến dong làng Cự Đà (Thanh Oai), tương nếp Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), chè lam (Sơn Tây) … không khí mua sắm nhộn nhịp, người tiêu dùng không ngại chi tiền mua số lượng hàng lớn vì tin tưởng chất lượng sản phẩm OCOP.

Nón làng Chuông “đắt” khách trong “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024”. Ảnh: Mộc Miên
Nón làng Chuông “đắt” khách trong “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024”. Ảnh: Mộc Miên

“Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống

Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2023 thu hút khoảng 10 vạn người dân và du khách trải nghiệm… Đây cũng là lần đầu tiên, lễ hội giới thiệu món cháo se truyền thống làng Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội). Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - trưởng nhóm bếp gian hàng ẩm thực Đan Phượng, nồi cháo se truyền thống nghi ngút khói, thơm lừng vị gạo, vị xương “đánh thức” giác quan của mỗi thực khách trong mùa lễ hội đầu Đông. Dòng người xếp hàng thưởng thức cháo se truyền thống, có người dân còn mang cặp lồng đến mua cháo về nhà, nhiều người xin địa chỉ để đặt cháo cho sự kiện của họ dịp cuối năm.

Sự kiện Lễ hội Du lịch Hà Nội tháng 4/2024, gian hàng làng nghề truyền thống Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) với đại diện xưởng sản xuất dao Lâm Ánh do anh Lê Ngọc Lâm - chủ xưởng giới thiệu, trưng bày đã thu hút nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Du khách quốc tế bày tỏ cảm kích trước tay nghề thủ công của các nghệ nhân Hà Nội.

Hình ảnh “nón làng Chuông” (Chương Mỹ, Hà Nội) xuất hiện hầu hết trong các sự kiện lễ hội như: Lễ hội Du lịch Hà Nội; Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội; Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội; Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Với biểu trưng văn hóa riêng biệt, nón làng Chuông được thiết kế đa dạng các tiểu cảnh. Vừa là điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP làng nghề truyền thống, vừa là điểm chụp hình ấn tượng của du khách. Đặc biệt, khách quốc tế đến Việt Nam đều vô cùng ấn tượng hình ảnh nón lá Việt. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, thợ giỏi làng Chuông, sản phẩm nón lá đa dạng mẫu mã, chất liệu, phù hợp với sản phẩm làm quà tặng mang thông điệp làng nghề Hà Nội.

Theo kế hoạch, từ ngày 23/8 – 25/8/2024, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội với chủ đề “Thức quà Hà Nội” tổ chức tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận thuộc quận Hai Bà Trưng. Năm nay, lễ hội quy tụ hơn 80 gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ, du lịch đặc trưng của Hà Nội với 8 không gian được thiết kế độc đáo, khu giới thiệu, triển lãm, quảng bá du lịch Thủ đô.

Quảng bá sản phẩm OCOP tương, miến làng nghề Cự Đà tại Festival Thu Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mộc Miên
Quảng bá sản phẩm OCOP tương, miến làng nghề Cự Đà tại Festival Thu Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mộc Miên

Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm quà tặng du lịch. thúc đẩy, hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề trong việc sản xuất các sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch, đồng thời kết nối làng nghề, đơn vị sản xuất quà tặng với các đơn vị lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để gia tăng mức tiêu thụ sản phẩm quà tặng góp phần phát triển kinh tế du lịch.

Năm 2023, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội thu hút khoảng 20.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm. Với thành công trước đó, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn trở thành hoạt động thường niên trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, làng nghề Hà Nội.

Trải qua quá trình đô thị hóa, làng nghề Hà Nội khó tránh khỏi những thăng trầm, thiếu đội ngũ trẻ kế cận, khó cạnh tranh với thị trường thì việc bảo tồn và phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống thông qua các lễ hội được đánh giá là hướng đi bền vững.

TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tính đến nay có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn TP là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề (chiếm 27,48% tổng sản phẩm OCOP toàn TP). Với số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, dẫn đầu số lượng sản phẩm OCP từ 3 sao trở lên là lợi thế của Hà Nội trong việc quảng bá, kích cầu kinh tế địa phương.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Khai thác “mỏ vàng” kinh tế từ du lịch làng nghề Kỳ 1: Khai thác “mỏ vàng” kinh tế từ du lịch làng nghề
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động