Chủ nhật 25/08/2024 20:10
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)

Kỳ 1: Khai thác “mỏ vàng” kinh tế từ du lịch làng nghề

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
LTS: Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc để gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề, nổi bật là cơ chế chính sách về xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Khai thác tiềm năng của làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại được coi là một hướng đi triển vọng giúp nâng cao thu nhập, vừa lưu giữ nét đẹp văn hóa các làng nghề. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, trong đó có đóng góp tích cực của lực lượng nghệ nhân, thợ giỏi các làng nghề Hà Nội. Từ số này, chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài “Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại”.
Kỳ 1: Khai thác “mỏ vàng” kinh tế từ du lịch làng nghề
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm khăn lụa từ tơ sen. Ảnh: MỘC MIÊN

Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề” với số lượng thống kê 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã nỗ lực phát triển tuyến du lịch mới nhằm khai thác “mỏ vàng” kinh tế từ du lịch làng nghề.

Sức sống làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi

Là hai làng nghề được lựa chọn trong tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tháng 4/2024, làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã trở thành điểm đến ấn tượng của tour du lịch ngoại thành Hà Nội. Làng tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu có tuổi nghề ngót nghét hơn 100 năm tuổi hiện được người dân các thôn Phú Lương Thượng, Đạo Tú, Cầu Bầu lưu giữ và phát triển. Khác với loại hình làng nghề sản xuất theo mùa vụ, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu sản xuất quanh năm, thời điểm tất bật nhất là sau rằm tháng 7 âm lịch.

Trước khi chính thức trở thành tour du lịch mới, làng hương Quảng Phú Cầu “đắt” khách du lịch trong nước và quốc tế bởi tinh thần sáng tạo của người dân làng nghề. Lấy sản phẩm tăm hương chủ đạo, người dân làng nghề đã khởi xướng mô hình du lịch trải nghiệm làm tăm hương, thiết kế tiểu cảnh với các biểu tượng đặc trưng văn hóa Việt Nam… Đây cũng là tiền đề để ngành du lịch Thủ đô định hướng phát triển tuyến du lịch trải nghiệm “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”.

Trở thành điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình khám phá di sản Nam Thăng Long, làng nghề dệt Phùng Xá đưa du khách cùng trải nghiệm nghề dệt lụa, dệt tơ tằm truyền thống cùng nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - người đầu tiên nghiên cứu nghề dệt lụa tơ sen và ý tưởng biến con tằm thành những người thợ dệt. Trước đó, xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội thường xuyên là điểm đến tham quan, trải nghiệm của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là đoàn học sinh các trường trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Hướng phát triển mới

Kỳ 1: Khai thác “mỏ vàng” kinh tế từ du lịch làng nghề
Sản phẩm lụa tơ sen, tơ tằm “đắt” hàng tại một sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Nội. Ảnh: MỘC MIÊN

Làng nghề Phùng Xá trước đây từng được mệnh danh “thủ phủ dâu tằm”, trải qua nhiều thăng trầm, số hộ gia đình làm nghề dần mai một. Đến nay, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Phan Thị Thuận là tấm gương tiêu biểu của làng nghề nhờ tìm hướng phát triển mới.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết: “Năm 2017, tôi được Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh mời tham gia vào Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống sen tại Việt Nam, cùng với các cộng sự. Khi đề tài kết thúc, nghiệm thu, công bố nhưng kết quả không phù hợp thực tiễn. Sau đó, tôi có quay lại thăm đất nước Myanmar để xem họ chế biến tơ từ cây sen như thế nào, nhưng cũng không thu được kết quả nào khác. Đồng thời tôi tìm kiếm các loại sách báo, tài liệu viết về chế biến tơ sen thì quá ít ỏi và sơ đẳng”.

Bằng những kinh nghiệm thực tế phục hồi phát triển tơ tằm của những năm cuối thời kỳ bao cấp, thành công của việc nghiên cứu đưa ra Giải pháp sáng tạo “Con tằm tự dệt” đã giúp nghệ nhân Phan Thị Thuận một lần nữa chinh phục thành công giải pháp sáng tạo đưa các sản phẩm tơ sen của Việt Nam vươn tầm quốc tế. Cột mốc năm 2020, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công, ứng dụng hiệu quả cao từ trồng và chế biến sợi tơ sen. Bên cạnh công tác nghiên cứu, nghệ nhân Phan Thị Thuận hoàn thiện các khâu đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ thuật se tơ sen, bổ sung một số chất phụ gia hữu cơ làm cho sợi tơ sen mềm, mịn, mát, sáng bóng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã ứng dụng gieo trồng giống sen truyền thống của địa phương. Giống sen này thường trồng ở vùng đất trũng, nước ngập sâu từ 60 -100m, thu hoạch cọng lá, cọng hoa, cọng gương rất tốt. Đồng thời, triển khai trồng 1,8 ha sen chất lượng cao (thuộc đội 13, thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).

Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, cánh đồng sen tạo công việc thường xuyên cho 11 lao động tự do, với lương bình quân 300.000đ/người/công, tương đương 9.000.000đ người/tháng. Trong đó, công lao động kỹ thuật se tơ, dệt sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và thu nhập 1 lao động từ 12-15 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, trên thế giới mỗi chiếc khăn từ lụa tơ sen có giá trị 100 USD, tại Việt Nam, cụ thể là xưởng sản xuất của nghệ dân Phan Thị Thuận được bán với mức giá 8 triệu đồng/khăn. Khăn lụa tơ sen do nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất được đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia.

Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, số lượng khăn lụa từ tơ sen sản xuất không kịp bán. Do đó, phát triển nghề dệt lụa từ tơ sen mang lại kinh tế, đồng thời giúp người dân cải thiện đời sống vật chất, góp phần tích cực vào phát triển du lịch, dịch vụ từ sản phẩm nông nghiệp.

“Tiềm năng của dệt lụa tơ sen ở địa hương rất lớn. Nếu phát triển rộng mô hình dệt lụa này sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên trước đây thường bị bỏ phí, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Thông qua đó giúp người dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” - nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ.

Tạo động lực phát triển làng nghề bền vững, TP Hà Nội thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề, tập trung phát triển các cụm công nghiệp. Hiện, TP đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(Còn nữa)

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động