Thứ hai 25/11/2024 05:47
Giá trị nhân văn từ cuộc thi “Cảm nhận về sách” trong trại giam:

Kỳ 11: Hãy lao động, học tập, đọc sách để mong trở thành người có ích...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với “thành tích” 4 tiền án về các tội lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, trốn khỏi trại giam và Mua bán trái phép chất ma túy, Lê Tuấn Bút, SN 1950, trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã phải đối diện với nhiều nỗi dày vò. Thế nhưng, khi được nghe trại phát động về cuộc thi viết “cảm nhận về sách”, Bút tích cực tham gia...

Quá tam bốn bận

Cả hai bài thi của phạm nhân Lê Tuấn Bút, SN 1950, trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đều được Hội đồng cán bộ đánh giá cao và cho điểm giỏi. Theo cán bộ phụ trách giáo dục của trại giam Tân Lập thì qua cuộc thi cho thấy có nhiều bài viết của phạm nhân lưu loát, có tính thực tiễn với đời sống phạm nhân cao, nhưng điểm 8 và điểm 9, Hội đồng cán bộ chỉ dành cho những bài thi thật sự xuất sắc. Vậy mà, cả 2 bài thi của phạm nhân Lê Tuấn Bút đều được 8 điểm.Điều đó, cho thấy người đàn ông này có cảm nhận rất tốt về cuộc sống vận dụng sách vào cuộc sống.

Tuy nhiên, trong những phút giải lao, phạm nhân Lê Tuấn Bút tâm sự về cuộc đời mình. Phạm nhân Bút bảo rất nhiều người gọi ông là người “lắm tài nhiều tật”. Mà có lẽ điều ấy rất đúng đối với ông, khi ngoài đời lắm vợ, nhiều con, ban đầu làm công việc của hợp tác xã, nhưng rồi ông ăn chơi sa đọa, để rồi liên tục dính án tù.

Phạm nhân Lê Tuấn Bút: “Chúng ta hãy cố gắng lao động, học tập, đọc sách... để mong sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”
Phạm nhân Lê Tuấn Bút: “Chúng ta hãy cố gắng lao động, học tập, đọc sách... để mong sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”

Theo lời kể của phạm nhân Lê Tuấn Bút, thời ấy, ông ta đang là Bí thư chi bộ thôn và để có kinh tế nuôi các con, Bút đã thành lập hợp tác xã tư nhân đầu tiên. Lợi dụng công việc của mình, Bút đã vay thóc của Nhà nước, nhưng không có khả năng chi trả. Vì vậy, Bút đã vướng vào lao lý. Năm 1992, tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phạt 5 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau một thời gian cải tạo, Bút được tha tù. Thời gian đầu về địa phương, Bút làm một quán nhỏ để sửa xe đạp, xe máy ngay đầu làng. Thế nhưng, cũng chỉ được một thời gian, tính ham cờ bạc trong người Bút lại nổi lên. Ông ta ngày đêm ham vui, để lại cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền cho người phụ nữ vốn đã rất đỗi vất vả ấy. Để rồi, ngay trong vòng xoáy cờ bạc ấy, Bút đã thua nặng.

Để có tiền trả nợ, ông ta đã lên kế hoạch mượn xe máy của người anh em họ rồi mang đi cầm cố, đánh bạc. Khi sự việc bị vỡ lở, năm 1995, Bút đã bị TAND huyện Tiên Sơn, xử phạt 3 năm về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”. Cứ tưởng, lần đi tù thứ 2 sẽ khiến cho Bút thức tỉnh. Nhưng không, ông ta tiếp tục gây họa cho chính bản thân mình. Thời điểm ấy, Bút đang cải tạo ở Trại giam Ngọc Lý. Bút bảo rằng, lúc đầu chỉ có ý định trốn về giải quyết việc riêng rồi quay lại trại giam, thế nhưng đúng thời điểm ấy mẹ Bút mất. “Tôi định trốn và ghé qua nhà chốc lát rồi đi.Ai ngờ mẹ tôi chết, tôi đã đấu tranh tư tưởng và không thể đi được nữa. Vì vậy, sự việc bị phát hiện, tôi đã bị bắt lại...”, phạm nhân Lê Tuấn Bút chia sẻ.

Năm 1996, TAND huyện Tân Yên, Bắc Giang xử phạt Lê Tuấn Bút 12 tháng tù giam về tội “Trốn khỏi nơi giam”. “Những ngày tháng ấy, nhìn vợ và các con nheo nhóc lên thăm, tôi đau lắm. Nghĩ lúc ấy sẽ cố gắng lao động, cải tạo để về bù đắp cho chúng nó. Nhưng cuộc sống đã không như tôi mong đợi...”, phạm nhân Lê Tuấn Bút tâm sự.

Tháng 4-2000, Lê Tuấn Bút được đặc xá, tha tù và trở lại địa phương.Bút đã lên kế hoạch cho mình làm kinh tế. Ban đầu, ông ta đi buôn bán nông sản từ vùng cao về. Thế nhưng, những chuyến hàng mua đi bán lại cũng chẳng được là bao so với công sức của Bút bỏ ra khiến cho người đàn ông này chán nản. Để rồi, Bút tiếp tục rơi vào vòng lao lý một lần nữa.

Với hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”, Lê Tuấn Bút tiếp tục nhận 20 năm tù. “Mới đầu về trại giam, án dài, tôi cũng bị tư tưởng chán nản, thường xuyên bị xếp loại không hoàn thành công việc”, phạm nhân Lê Tuấn Bút nói.

Đọc sách để mong thành người có ích

Thế rồi trải qua nhiều công việc, từ việc dọn buồng giam, đến vệ sinh, trực sinh, làm bếp hay theo dõi, nắm vi phạm của các phạm nhân khác cho cán bộ đều được Lê Tuấn Bút trải qua. Nhưng ông ta bảo rằng, chỉ đến khi trại giam phát động cuộc thi viết cảm nhận về sách, đã giúp cho Bút nguôi ngoai phần nào. Bởi chính đọc sách đã cho Bút thấy mình sai quá nhiều. Bút bảo rằng, trong hai bài dự thi, Bút đã viết “Cảm nhận về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du” và “Cảm nhận về tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh”.

“Qua đọc tác phẩm Kiều, tôi cảm nhận và học tập được rất nhiều điều bổ ích.Vì đây là tác phẩm đồ sộ của nền văn hóa Việt Nam.Nội dung, hình thức, nghệ thuật của Kiều ít có tác phẩm nào sánh được. Độ reo vần bằng chắc, dài 3254 câu thơ mà lại ở thể thơ lục bát, khiến người đọc dễ hiểu, dễ thuộc... Nhưng qua tác phẩm cũng cho thấy toát lên một xã hội phong kiến, con người bị ràng buộc bởi những lễ giáo lạc hậu, khắt khe của chế độ phong kiến. Không như ngày nay, chúng ta sống ở chế độ mới văn minh, hiện đại. Con người được phát triển toàn diện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Tôi vinh dự được lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa, được nuôi dưỡng và đào tạo cho tôi nên người. Rồi vào bộ đội, xung kích ở mặt trận, đã lập chiến công... Đáng lẽ, những điều ấy tôi phải nâng niu trân trọng và để phát huy mọi lúc mọi nơi. Nhưng tôi đã không làm được điều đó, mất hết tất cả...Chỉ vì lao vào ma túy, chạy theo những đồng tiền siêu lợi nhuận, rồi phải trả giá vào đây cải tạo ở đội 19, phân trại số 3, trại giam Tân Lập...”, phạm nhân Lê Tuấn Bút viết.

Phạm nhân Lê Tuấn Bút bảo rằng: “Đường về quê mẹ còn quá xa vời. Tuy rằng tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu lại bị thương tật, nhưng tôi vẫn xác định cải tạo tốt. Vì chỉ có cải tạo tốt mới là con đường duy nhất để nhanh chóng trở về với gia đình và xã hội. Nhân đây, tôi cũng muốn nói với anh em phạm nhân rằng, bản thân tôi như vậy vẫn xác định cải tạo tốt thì các anh em cũng không có lý do gì để bi quan, chán nản, hãy đứng lên cải tạo bằng chính sức lực của mình. Đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta luôn khoan hồng với những người phạm tội biết ăn năn, hối cải “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”... Nhưng cũng không tha thứ cho những ai không chịu cải tạo, chống lại pháp luật. Nên chúng ta phải cải tạo tốt đủ các điều kiện thì hàng năm vẫn được giảm án theo tiêu chuẩn hoặc có năm lại có đặc xá, đặc xá tha tù có điều kiện... Đó là những cơ hội để cho chúng ta được trở về sớm hơn so với thời hạn. Vậy chúng ta hãy cố gắng phấn đấu, chấp hành tốt 15 điều nội quy, 4 tiêu chuẩn cải tạo...”.

“Hãy tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, những người cảnh sát trại giam Tân Lập, cán bộ luôn vô tư, bao dung, luôn giúp đỡ chúng ta với tinh thần cao cả, tràn đầy tính nhân văn. Vậy chúng ta hãy cố gắng lao động, học tập, đọc sách... để mong sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội...”, phạm nhân Lê Tuấn Bút chia sẻ.

(Còn nữa)

Kỳ 10: Đọc sách, tôi thấy mình còn may mắn... Kỳ 10: Đọc sách, tôi thấy mình còn may mắn...

“Đọc sách, tôi thấy mình còn may mắn khi có cơ hội thực hiện ước mơ còn dang dở...”, đó là tâm sự của phạm ...

Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động