Thứ sáu 22/11/2024 08:59
Nắng nóng ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị

Kỳ 1: Những căn phòng trọ 4m2

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong cái nóng lên đến gần 40 độ ở Hà Nội, những bệnh nhân tại xóm chạy thận Lê Thanh Nghị như càng héo hon hơn. Những căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 4 - 5m2, chỉ với tay đã chạm trần nhà, cái nóng hầm hập phả xuống không một chút nương dè các thân phận đã quá nhiều đớn đau ấy.
Kỳ 1: Những căn phòng trọ 4m2
Xóm chạy thận cái gì cũng nhỏ, từ phòng trọ cho đến lối đi chung. (Ảnh: Duy Linh)

Nằm trong con ngõ nhỏ, xóm chạy thận gồm những dãy nhà cho thuê với diện tích khá khiêm tốn, mỗi căn phòng chỉ vỏn vẹn 4 – 5m2. Do phần lớn diện tích được sử dụng để làm phòng trọ, cho nên lối đi chung chỉ vừa đủ cho 2 người lớn tránh nhau. Cả dãy trọ cũng chỉ có 1 nhà vệ sinh chung, khu vực sát cổng vào được tận dụng làm khu bếp cũng khá chật chội.

Hằng ngày, 7 - 8 bệnh nhân héo hon, xơ xác vì suy thận quanh ra, quanh vào trong khu nhà trọ với 8 căn phòng khiêm tốn ấy. Ngày nắng nóng thì oi bức, ngột ngạt, đến khi trời mưa thì nước tràn vào tận cửa, tràn lên mép giường, muốn đặt chân xuống đất cũng khó. Nhưng mưa còn đỡ, vì chịu ướt một tí nhưng cũng còn mát mẻ, chứ những ngày Hà Nội oi ả, cái nắng, cái nóng như tiếp tục thách thức nghị lực sống của những bệnh nhân kém may mắn này.

Ngồi ở cửa ra vào căn phòng nhỏ hẹp, chị Lê Thị Hoài, SN 1977, quê Thanh Hóa, chờ những đợt gió hiếm hoi giữa buổi trưa hè chói chang nắng. Căn phòng bé xíu chỉ kê đủ chiếc giường một cùng một số đồ đạc bức bối, hầm hập. Chị bảo, mấy hôm trước trời mưa, mái tôn thủng, dột, nước bên ngoài thì tràn vào xâm xấp mép nhà, ẩm ướt. Mấy hôm nay trời nắng, nhà mới bốc hơi oi nồng, khó chịu.

Kỳ 1: Những căn phòng trọ 4m2
Dưới cái nóng hầm hập của trưa hè tháng 6, cư dân xóm chạy thận chọn ra cửa ngồi cho thoáng. (Ảnh: Duy Linh)

Chị Hoài kể, vốn ở quê nên chị lấy chồng rất sớm. Cuộc sống vợ chồng cũng hạnh phúc, chị sinh được 2 cháu đủ nếp tẻ. Những tưởng cuộc sống có thiếu thốn nhưng an yên sẽ cứ thế trôi đi… Cho đến năm 1999, chị đi mổ sỏi thận.

“Đấy là cái mốc đánh dấu đời tôi bắt đầu gắn với bệnh viện" - lời chị Hoài. Bởi, cứ mổ đi rồi mổ lại vẫn thấy chưa ổn, cứ ra ra vào vào bệnh viện tiền cứ thế tiêu mà bệnh lại chẳng khỏi. Cho đến tháng 8/2006 chị biết mình bị suy thận. Ban đầu chị chạy thận ở tại bệnh viện tỉnh. Thế nhưng bởi trang thiết bị còn thiếu, nhân lực cũng kém nên lịch chạy thận của chị cũng "bữa đực, bữa cái". Năm 2007, chị lên Bệnh viện Bạch Mai, gia nhập nhóm bệnh nhân trong xóm chạy thận Lê Thanh Nghị.

“Người chạy thận vốn nóng hơn người bình thường, mấy hôm nay trời Hà Nội nắng 40 độ thì người ta khổ 1 chúng tôi khổ gấp đôi. Nhà đã kiệt quệ, kinh tế có bao nhiêu dồn hết vào cho tôi trên này chạy chữa nên không mong có điều hòa hay quạt nước” – chị Hoài bảo. Thôi thì có nóng hay nắng thì cũng ráng chịu.

Thế nhưng, nắng nóng của mùa hè nào có thấm vào đâu so với nỗi đau về thể xác. Chị nói, ven của chị nhỏ, tuần 3 lần chọc kim đặt cầu trong ròng rã 11 năm đã khiến những mạch nhỏ li ti ấy không còn chịu đựng nổi. Mấy năm trước chị đã mổ tay để đặt cầu nhân tạo, nhưng rồi các ống lưu cũng chẳng giữ được bao nhiêu. Bệnh thận khiến mọi chức năng suy giảm, nếu để tính xem mình lên bàn mổ bao nhiêu lần rồi chị cũng chẳng nhớ.

“Nắng nóng, mệt mỏi cộng với những đau đớn khiến tôi muốn buông xuôi” – chị Hoài than. Nghe chị nói thế chồng chị, con chị cũng trách chị. Thế nhưng cứ mòn mỏi với những nỗi đau, những ngày dài lọc máu, cảm giác là gánh nặng cho chồng, cho con bào mòn dần nghị lực sống của chị. Và nắng nóng, cái khắc nghiệt của thời tiết như càng khiến chị chán nản hơn.

Kỳ 1: Những căn phòng trọ 4m2
Bà Hứa Thị Rinh, quê Cao Bằng trong căn phòng trọ của mình. (Ảnh: Duy Linh)

Chầm chậm rửa mớ rau để chuẩn bị bữa cơm trưa, bà Hứa Thị Rinh, SN 1950, quê Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết, bà đã ở cái xóm trọ nhỏ này đã hơn 3 năm trời. Cũng từ đó đến nay bà chưa từng về nhà. Đường xá xa xôi, về được đến nhà thì bỏ buổi chạy thận, mà với những người như bà, ngừng chạy có nghĩa là từ chối sự sống. Những ngày nóng nực này, bà nhớ những tháng ngày mát mẻ ở vùng sơn cước nơi bà sinh ra và lớn lên.

Đã ở Hà Nội một khoảng thời gian không ngắn, nhưng bà vẫn không quen với cái nóng gắt ở đây. Căn phòng nhỏ cũng chỉ đủ kê chiếc giường bé với bộn bề những quần áo, đồ đạc hun hút như trong chiếc lò hấp. Bà bảo, thiếu thốn lắm, nhưng đợt rồi phải cố dành dụm để mua một chiếc điều hòa cũ.

“May mắn gạo hay được những hội thiện nguyện họ gửi đến nên tiết kiệm được tiền mua, rau thịt thì mỗi bữa có một nắm… Chỉ có tiền điện, tiền nước là nhiều nhất”, bà nói.

Căn phòng trọ của bà được chủ cho thuê với giá 900 nghìn đồng, tiền điện trước chủ tính hơn 4 – 5.000 đồng nhưng sau đó có sự can thiệp của chính quyền nên được giảm xuống 2.500 đồng. Tiền thuốc, rồi tiền ăn uống mỗi tháng ít nhất cũng phải có 2 triệu đồng để chi trả.

“Vậy nên nóng lắm cũng chỉ dám bật điều hòa lên khoảng tầm 2 tiếng đồng hồ rồi tắt đi. Nóng không chết được chứ không còn tiền để mua thuốc thì không biết sống được đến bao giờ” – bà Rinh thở dài.

(Còn nữa)

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động