Thứ năm 28/03/2024 22:01
Chiến sĩ áo trắng và cuộc chạy đua thu hẹp “vùng đỏ”

Kỳ 1: Không có ngày nghỉ và nỗ lực bằng 200% sức lực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nằm trong nhóm 6 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có số ca mắc Covid-19 cao nhất trong đợt dịch thứ 4, sau hơn 1 tháng nỗ lực của các lực lượng y tế tuyến đầu, từ chỗ là “điểm nóng” về dịch, quận Đống Đa đã thu dần "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh" và dần trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Kỳ 1: Làm việc không có ngày nghỉ và bằng 200% sức lực
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 xuyên đêm (ảnh P.C)

Khoanh vùng kịp thời, khống chế hiệu quả các ổ dịch

Chia sẻ về quãng thời gian chống dịch suốt gần 2 năm qua của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế-đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4, ThS-BS. Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: Khi xuất hiện một số ca bệnh tại khu vực phường Văn Chương, Văn Miếu, chúng tôi đã tham mưu cho UBND quận phong tỏa 2 phường này. Thời điểm đó chúng tôi nhận thấy số ca lây nhiễm tăng nhanh ở phường Văn Miếu nên có nguy cơ cao lây ra cộng đồng; còn ở phường Văn Chương ghi nhận ca mắc rải rác nên khó đánh giá nguy cơ. Vì vậy cần phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.

Trong thời gian phong tỏa tại các ổ dịch Văn Chương, Văn Miếu nhân viên y tế làm việc liên tục, không có ngày nghỉ bởi dân số của 2 phường đông (khoảng 20 nghìn người); chu kỳ lấy mẫu xét nghiệm 3-5 ngày/lần nên công việc cứ nối tiếp nhau. Số mẫu xét nghiệm trong đợt này lên đến hơn 100 nghìn mẫu.

“Thời điểm này mọi người được ngủ, nghỉ rất ít và làm việc với cường độ cao. 100% quân số của khoa không có ngày nghỉ, thứ Bảy, Chủ nhật-cao điểm có những hôm 100% nhân viên đi làm cuối tuần. Anh em làm việc trung bình 16-18 tiếng/ngày với cường độ cao. Thời gian làm việc kéo dài từ 7g30 đến 22g nhưng thực tế sau khi lấy mẫu về nhân viên y tế lại tiến hành kiểm mẫu nên nửa đêm mới được nghỉ. Có thể nói, mọi người làm việc với 200% sức lực”, bác sỹ Nguyễn Chí Thành chia sẻ.

Song song đó, quận triển khai đợt cao điểm tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng theo kế hoạch chung của thành phố. Lực lượng y tế trên địa bàn đã khẩn trương, tích cực thực hiện 2 mũi “giáp công” là xét nghiệm và tiêm vắc-xin nhằm nhanh chóng phát hiện để khoanh gọn vùng có ca bệnh và tạo miễn dịch trong cộng đồng. Trong đợt cao điểm này (từ 7-9 đến 15-9) với sự hỗ trợ của đội ngũ sinh viên Trường Cao đẳng Y Hà Nội, quận đã tiêm được trên 111 nghìn mũi 1 (đạt 98,7%); gần 24 nghìn mũi 2 vắc-xin Covid-19. Đồng thời, lấy mẫu được 203.497 lượt xét nghiệm.

Trong cuộc chạy đua của lực lượng y tế với tốc độ lây lan của virus, chiến thắng đã thuộc về “những chiến sỹ áo trắng”. Sau khi phong tỏa Văn Chương, Văn Miếu số ca bệnh giảm dần theo tuần: Từ 47 ca/tuần xuống còn 30 ca và 3 trường hợp... Khi đã an toàn, các địa bàn dần được gỡ phong tỏa, cuộc sống bình thường mới đã trở lại với người dân nơi đây.

Tuy nhiên, đã là “cuộc chiến” thì không tránh khỏi những tổn thương và người chiến sỹ phải chấp nhận nén lại tình cảm riêng tư để dành tâm sức cho công việc… Trong đợt cao điểm này, đã có 7 nhân viên y tế ở Trạm y tế phường Văn Chương nhiễm Covid-19. Cùng đó, nhiều nhân viên y tế với cường độ làm việc cao nên phải “bớt xén” thời gian dành cho gia đình…

Kỳ 1: Làm việc không có ngày nghỉ và bằng 200% sức lực
ThS-BS. Nguyễn Chí Thành (bên trái) phối hợp triển khai biện pháp phòng dịch tại địa bàn

Tiếc nuối khi bỏ qua những dấu mốc phát triển của con

Luôn thầm lặng với công việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm-đội ngũ cán bộ y tế dự phòng tại Hà Nội đã có gần 2 năm căng mình chống dịch. Cùng với diễn biến của dịch, các đợt dịch bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai (3-2020) hay tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung (tháng 7-2020); dịch tại Hải Dương (tháng 1-2021); đợt dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh (tháng 3-2021); đợt dịch thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam… thì đội ngũ y tế của Hà Nội cũng đều phải chạy đua cùng thời gian để đuổi kịp tốc độ lây lan của virus.

Anh Kiều Hải Hồ, khoa Kiểm soát bệnh tật chia sẻ, suốt thời gian quận Đống Đa là “điểm nóng” với nhiều khu vực bị phong tỏa, anh cùng đồng nghiệp người đã trải qua nhiều đêm không ngủ. Trong quãng thời gian này, mọi người làm việc không phân biệt ngày/đêm hay giờ giấc, cứ khu vực nào thông báo về ca bệnh là lại lên đường.

“Có những buổi đêm đi truy vết, lấy mẫu về vừa tắm giặt, ăn cơm xong thì lại có điện thoại báo đi tiếp. Hay có những hôm từ 3g sáng đoàn lại cùng nhau lên sân bay Nội Bài đón công dân về nước đưa đến khu cách ly”, anh Hồ nói.

Công việc thường xuyên đi sớm, về khuya nên thời gian họ dành cho gia đình, con cái bị “bớt xén” rất nhiều. Anh Công Đình Nguyên, khoa Kiểm soát bệnh tật tâm sự: Cả 2 vợ chồng em đều làm ngành y. Đợt vừa qua vợ em tham gia điều tra truy vết, khám tiêm chủng nên cả 2 đều bận. Con còn nhỏ, chúng em gửi ông bà chăm sóc giúp. Công việc bận nên khi mình đi làm thì con chưa ngủ dậy, khi mình về thì con đã đi ngủ nên tiếc một chút là không được gần con.

“Con em được gần tròn 12 tháng, giai đoạn này có những bước phát triển đánh dấu mốc quan trọng nhưng bố mẹ đi suốt đã bỏ lỡ mất những giai đoạn đó. Em thấy tiếc nuối vì không được ở gần con, nếu ở gần con thì tình cảm sẽ gắn bó hơn”, Nguyên bày tỏ.

Đối với anh Lê Hải Đồng, năm 2021 có dấu mốc quan trọng với con gái lớn của anh khi cháu thi chuyển cấp. Nhưng bắt đầu từ tháng 4 trở đi (thời kỳ cao điểm để động viên, chăm sóc con chuẩn bị bước vào kỳ thi) thì anh lại thường xuyên làm việc tăng cường, lịch trực dày đặc, có khi cả tuần anh chỉ được ăn cùng vợ, con vài bữa cơm tối.

“Mọi việc kèm con học, chăm sóc con đều do vợ tôi thu xếp. Nhiều lúc nghĩ có lỗi nhưng cũng chỉ biết bù đắp bằng cách thỉnh thoảng về mua cho con mấy thứ đồ ăn, đồ uống yêu thích để thể hiện sự động viên, quan tâm đến con”, anh Đồng giãi bày.

Gác lại những chuyện riêng tư, lực lượng y tế tuyến đầu một lòng với công việc nhằm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng không phải mọi điều lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, không phải người dân nào cũng cảm thông được với công việc này. Khi đi đến địa bàn lấy mẫu, họ đã gặp phải những trường hợp người dân không hợp tác, nói lời khó nghe, xúc phạm-thậm chí còn xua đuổi, đe dọa. Những lúc như vậy khiến họ không tránh khỏi suy nghĩ, tâm tư…

(Còn nữa)

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động