Kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu tích cực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD |
Công nghiệp tiếp tục khởi sắc
Theo số liệu thống kê, sản xuất nông nghiệp tháng 2-2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại ở các địa phương phía Bắc đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định. Đặc biệt, sản lượng thủy sản tháng 2 ước đạt 578,5 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 1.168,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2021.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2022 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần phần lớn tập trung trong tháng Hai. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, IIP tháng 02-2022 tăng 8,5%. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10%; sản xuất và phân phối điện tăng 8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,4%),
Các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt là dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc khi nhu cầu du lịch của khách nội địa tăng cao trong dịp Tết Nhâm Dần. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2-2022 tăng mạnh 49,6% so tháng trước và tăng 169,6% so cùng kỳ do tiếp tục thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và khôi phục lại một số đường bay quốc tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2-2022 tăng 3,1% so cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng và doanh thu du lịch lữ hành đều tăng.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD. Xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ 2021…Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 1 xuất siêu 1,4 tỷ USD, tháng 2 ước tính nhập siêu 2,34 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD).
Đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng, giá dầu liên tục tăng đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, giá phân bón và nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm nhập siêu, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng giảm…những hạn chế này đã được Tổng cục Thống kê chỉ ra.
Nhằm đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao nhất trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của các Hiệp định tự do thương mại (FTA) để xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất các ngành công nghiệp; phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, sớm triển khai lộ trình mở cửa trở lại hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm tính tổng thể, nhất quán với hoạt động giao thông vận tải trong mọi loại hình an toàn và hiệu quả.
Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị cần hỗ trợ hiệu quả DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Cùng với đó cần nâng cao các giải pháp phục hồi và ổn định, phát triển thị trường lao động; kết nối cung cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm.
Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương tới địa phương quan tâm, chú trọng. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 5-2-2022, kinh phí chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán vừa qua là gần 9,3 nghìn tỷ đồng cho trên 57,81 triệu lượt người. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại