Thứ bảy 02/11/2024 09:07

Hà Nội: tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thành phố Hà Nội đã hợp tác với 43 tỉnh, TP trên cả nước để xây dựng, duy trì và phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.
Hà Nội: tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng
Sản phẩm Gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: ĐH

Đưa thực phẩm an toàn tiếp cận người dân Thủ đô

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó trên 1.700 cơ sở chế biến sâu nông sản thực phẩm, 250 DN xuất khẩu nông sản. Số lượng sản phẩm OCOP của TP chiếm khoảng 20% sản phẩm OCOP của cả nước với hơn 2.700 sản phẩm.

Tuy nhiên, TP Hà Nội mới cơ bản đáp ứng khoảng 70% thực phẩm phục vụ cho khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hàng triệu du khách trong nước, quốc tế đến thăm. Do đó, với số lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân đã được các kênh phân phối, DN, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, TP và một phần nhập khẩu.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, về hệ thống phân phối thì hiện tại TP Hà Nội có 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hơn 2.000 cửa hàng tiện ích, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa, 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng đa phương tiện.

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sau đại dịch Covid-19, ý thức nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở thành lựa chọn mới của người tiêu dùng. Thực phẩm sạch, an toàn, được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang được nhiều gia đình ưu tiên.

Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, đồ uống có nguyên liệu đảm bảo “xanh” và “sạch”. Lựa chọn an toàn không chỉ đối với thực phẩm, đồ uống, mà còn là xu hướng lựa chọn đối với sản phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Hà Nội: tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng
Mô hình trồng chuối tiêu hồng tại xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho hiệu quả kinh tế cao Ảnh: TL

Xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay, việc sản xuất các mặt hàng nông lâm thủy sản của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 40% - 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô với gần 200 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội.

Đồng thời, Hà Nội cũng đã hợp tác với 43 tỉnh, TP trên cả nước để xây dựng, duy trì và phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.

Các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đã thu hút được nhiều DN, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi, góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, hạn chế được tổn thất cho người nông dân.

Theo đó, các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn đáp ứng đầy đủ quy trình quản lý chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để tiêu thụ qua các bếp ăn tập thể, chuỗi siêu thị và các cửa hàng tiện ích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như: "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa), "Bưởi tôm vàng Đan Phượng)…

Việc sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước như: Gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)… với giá bán tăng 15 - 20% so với khi chưa có thương hiệu.

Ngoài ra, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc giám sát chất lượng nông sản trên thị trường từ gốc.

Qua xây dựng liên kết chuỗi đã tạo dựng được những thương hiệu được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn như sản phẩm vịt cỏ Vân Đình của huyện Ứng Hòa. Từ sản phẩm vịt cỏ, ông Phạm Xuân Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty Tiến Lộc Food cho biết, công ty đã liên kết với người nông dân tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu như: chả vịt, vịt hun khói và các sản phẩm đã qua chế biến từ vịt được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, hiện nay, cùng với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khép kín đang tổ chức lại ngành chăn nuôi, gắn việc sản xuất với thị trường tiêu thụ. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý tương xứng với chất lượng của sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội cho biết: “TP Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó kiểm soát nguồn gốc nông sản trên thị trường”.
Bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô Bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô

Việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ làm giảm niềm tin mà còn ảnh hưởng trực ...

Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động